Cụ thể, Thành phố giao UBND các quận, huyện Tây Hồ, Cầu Giấy, Từ Liêm chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo việc kê khai, kiểm đếm xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất theo quy định.
| ||
Trong đó, UBND huyện Từ Liêm phải hoàn tất thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho phần tài sản trên đất của 6 hộ thuê 9 ha đất nông nghiệp khó giao (hiện do UBND xã Xuân Đỉnh quản lý) trong tháng 9/2013.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố, UBND các quận, huyện Tây Hồ, Cầu Giấy, Từ Liêm và Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra, xem xét các tồn tại (nếu có) trong việc thực hiện giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
Liên quan đến việc chồng lấn về ranh giới, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng khu đô thị mới Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra, xác minh ranh giới Dự án và các dự án liên quan, đồng thời tổng hợp nhu cầu tái định cư; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị đủ, kịp thời quỹ nhà, đất phục vụ nhu cầu tái định cư, đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng cho Dự án Tây Hồ Tây.
Những vướng mắc trong quá trình triển khai được tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố để kịp thời xử lý.
Ngay trong tháng 9, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố phải tham mưu cho Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố, phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thành dứt điểm thu hồi đất và bàn giao mặt bằng đất sạch thuộc khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng (rộng 18,7 ha) cho chủ đầu tư.
Với phần 17,1 ha chưa giải phóng mặt bằng, Trung tâm phải hoàn thành hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ, trình UBND huyện Từ Liêm phê duyệt, chi trả cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 12/2013.
Trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đã được chủ đầu tư (Công ty T.H.T - Hàn Quốc) cùng Hà Nội triển khai khá tích cực. Tính đến cuối tháng 8/2013, Dự án đã giải phóng mặt bằng được 91,76 ha/117,3 ha giai đoạn I bằng nguồn kinh phí của chủ đầu tư (đạt 78%).
Tuyến đường số 4 cơ bản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đáp ứng được việc tổ chức triển khai công tác thi công cho Dự án. Nhà đầu tư cũng đã chuyển 11,5 triệu USD (trên tổng số 23 triệu theo quy định tại Giấy phép đầu tư) để hỗ trợ Thành phố đầu tư các tuyến đường vào khu vực Dự án.
Với những động thái quyết liệt của UBND TP. Hà Nội lần này, những vướng mắc còn lại của Dự án hy vọng sẽ được tháo gỡ, để một trong những dự án trọng điểm của Hà Nội và cả nước được triển khai đúng cam kết.
Cùng với tháo nút thắt mặt bằng, như Báo Đầu tư đã thông tin, UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định chủ trương tách Dự án Nhà hát Thăng Long ra khỏi Dự án Tây Hồ Tây, nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Bá Thư