Y tế - Sức khỏe
Kiên quyết xử lý vi phạm an toàn thực phẩm
D.Ngân - 18/11/2024 11:59
Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn thực hiện lấy mẫu, giám sát mối nguy ở các quận, huyện, thị xã.

Tăng kiểm tra, xử phạt các vi phạm

Thời gian qua, các địa phương, cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đẩy mạnh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm đánh giá tình hình và cảnh báo tới các nhà quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập nhiều đoàn thực hiện lấy mẫu, giám sát mối nguy ở các quận, huyện, thị xã.

An toàn thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng.

Qua đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện vi phạm, chi cục tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm là hoạt động định kỳ, được chi cục tổ chức hằng năm nhằm sàng lọc, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đề xuất xử lý vi phạm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm an toàn.

Hiện nay, công tác lấy mẫu giám sát mối nguy ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội còn khó khăn, việc quản lý sản phẩm tự công bố thông qua hoạt động hậu kiểm vẫn khó kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm thực phẩm được lấy mẫu hậu kiểm sau công bố, tự công bố còn thấp.

Ngoài ra, việc xây dựng, hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn ít; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm còn hạn chế.

Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư, phân tán, hoạt động mang tính tự phát, ảnh hưởng tới môi trường.

Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, theo lãnh đạo huyện Thường Tín, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

Huyện yêu cầu công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm.

Bên cạnh đó, huyện duy trì vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, kiểm soát từ nguồn gốc đến lưu thông trên thị trường; tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn...

Tại Phú Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Huy cho biết, Huyện tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo đảm số lượng mẫu giám sát mối nguy an toàn thực phẩm thực hiện theo kế hoạch;

Giám sát, phòng ngừa và hạn chế ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm; chủ động giám sát mối nguy, phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường.

Việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đang được các ngành, địa phương thực hiện, song người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mỗi người dân hãy là một giám sát viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời thông tin tới cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...

Xếp hạng rủi ro an toàn thực phẩm giúp giám sát dịch bệnh

Để giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, FAO đã lồng ghép cách tiếp cận có hệ thống xếp hạng rủi ro trong an toàn thực phẩm cấp quốc gia. Theo đó, yêu cầu có sự hợp tác của nhiều tổ chức, cơ quan cùng phối hợp để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.

Với số lượng lớn và đa dạng các nguyên nhân gây bệnh do thực phẩm, các quốc gia thường gặp khó khăn trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực hạn chế cho các vấn đề cụ thể.

Xếp hạng rủi ro là phân tích có hệ thống và sắp xếp các mối nguy thực phẩm hoặc thực phẩm theo mức độ rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng dựa trên khả năng xảy ra, mức độ nghiêm trọng của các tác động tiêu cực đến một nhóm đối tượng cụ thể.

Theo chuyên gia an toàn thực phẩm, quy trình này có thể được sử dụng để xác định các rủi ro quan trọng nhất đến sức khỏe cộng đồng; giúp xác định các can thiệp phù hợp nhất để giảm thiểu nhiễm bẩn thực phẩm.

Bên cạnh việc xác định các vấn đề an toàn thực phẩm cần hành động quản lý thì quy trình này nhằm mục tiêu kiểm tra cơ sở thực phẩm ở các TP khác nhau của chuỗi cung ứng thực phẩm (ví dụ: trang trại, lò mổ, cơ sở chế biến, bán lẻ, dịch vụ thực phẩm).

Ngoài ra, quy trình này cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ các chương trình lấy mẫu, kiểm tra thực phẩm trong nước và thực phẩm nhập khẩu; đưa ra hướng dẫn cho người tiêu dùng.

Chuyên gia an toàn thực phẩm phân tích, xếp hạng rủi ro có thể được sử dụng cho nhiều mối nguy do thực phẩm gây ra, bao gồm các mối nguy vi sinh vật và hóa học, trong các loại thực phẩm.

Một mối nguy đơn lẻ có thể được xếp hạng trên nhiều loại thực phẩm (ví dụ thực phẩm nào có mức độ nguy hiểm cao nhất đến việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu). 

Nhiều mối nguy có thể được xếp hạng trong một loại thực phẩm hoặc nhiều mối nguy có thể được xếp hạng trên nhiều loại thực phẩm...

Xếp hạng rủi ro sẽ cung cấp cho các cơ quan về an toàn thực phẩm đưa ra quyết định liên quan đến luật, phân bổ nguồn lực, ngân sách cũng như tăng cường giám sát dịch bệnh, giúp ích thông tin đến người dân và cộng đồng cải thiện sản xuất, tiêu thụ thực phẩm.

Kết quả của việc xếp hạng rủi ro có thể hỗ trợ việc xác định rủi ro ưu tiên trong an toàn thực phẩm, sắp xếp các mối nguy do thực phẩm gây ra dựa trên cân nhắc về các tác động sức khỏe cộng đồng. 

Việc ưu tiên tạo ra một danh sách hành động cho các nhà quản lý rủi ro và cung cấp cái nhìn tổng quan hơn, có thể cung cấp thông tin tốt hơn cho các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro.

Thời gian qua, “Dự án an toàn thực phẩm một sức khỏe” của FAO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo xếp hạng rủi ro ở 4 nước, trong đó có Việt Nam. Qua đó, Ban Tổ chức đã thu thập, đưa ra kết quả 10 loại mối nguy khác nhau, trong đó, tập trung chủ yếu vào rau tươi, cá sống.

Cụ thể: Rau tươi (nguy cơ nhiễm vi khuẩn campylobacter) là mặt hàng được xếp hạng rủi ro đầu tiên; cá sống được xếp hạng rủi ro thứ 2, 3, 4 (do nguy cơ nhiễm dịch tả vibrio, khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn salmonella spp+)…
Tin liên quan
Tin khác