Từ 1/1/2025, các bệnh viện sẽ thực hiện theo 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản
5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện gồm: Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, quy định tại Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT, như bệnh viện phải có địa điểm cố định; phải có lối đi cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu; có biển hiệu, sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính...
Tiêu chuẩn về quy mô và cơ cấu tổ chức, quy định tại Mục II, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT, như bệnh viện phải có cơ cấu tổ chức gồm các khoa: khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và các bộ phận phụ trợ. Khoa khám bệnh phải có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu, phòng khám, phòng thực hiện kỹ thuật, thủ thuật (nếu thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật.
Tiêu chuẩn về nhân sự, quy định tại Mục III, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT, như người hành nghề được phân công công việc phù hợp với phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt; người hành nghề được cập nhật kiến thức y khoa liên tục…
Tiêu chuẩn về thiết bị y tế, quy định tại Mục IV, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT. Thiết bị y tế phải để thực hiện các kỹ thuật thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hồ sơ quản lý đối với các thiết bị đó. Quy chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư linh kiện, bảo quản thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tiêu chuẩn về chuyên môn, quy định tại Mục V, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT, như: điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày; quy trình khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú; phổ biến, áp dụng và xây dựng quy trình chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh.
Từ 1/1/2025, các bệnh viện sẽ thực hiện 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản. |
Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ, tiêu chuẩn chất lượng cơ bản này chỉ áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, việc thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản sẽ diễn ra một lần mỗi năm; thời gian thực hiện đánh giá vào Quý I của năm liền kề tiếp theo; xếp loại đánh giá.
Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: toàn bộ các tiêu chuẩn đều “Có” trong cột “Kết quả đánh giá”. Nếu không đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: Có bất kỳ một tiêu chuẩn “Không” trong cột “Kết quả đánh giá”.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm làm đầu mối chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này và hướng dẫn đánh giá, nội dung chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; theo dõi, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện theo quy định của Thông tư này.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý…
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này; rà soát, bổ sung và khắc phục để bảo đảm duy trì chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở mức cơ bản.
Việt Nam có tới 85% trẻ em 6-8 tuổi bị sâu răng
Theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe răng miệng nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sâu răng và bệnh nha chu ảnh hưởng đến một bộ phận đáng kể dân số, đặc biệt là trẻ em và người già.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có hơn 85% trẻ em từ 6 đến 8 tuổi bị sâu răng. Nguyên nhân là do nhiều vùng nông thôn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc răng miệng cơ bản và giáo dục sức khỏe răng miệng; nhận thức về các biện pháp vệ sinh răng miệng vẫn còn thấp, đặc biệt là ở những cộng đồng chưa được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Hà Anh Đức cho rằng lý do dẫn tới thực trạng trên là sự hạn chế về khả năng tiếp cận các dịch vụ nha khoa phòng ngừa.
Trong khi các khu vực thành thị có thể tiếp cận các phòng khám nha khoa hiện đại thì các vùng nông thôn thường dựa vào các chương trình tiếp cận không thường xuyên. Bên cạnh đó là thói quen văn hóa, chế độ ăn uống và việc không coi trọng kiểm tra răng miệng thường xuyên đã làm gia tăng bệnh sâu răng trong cộng đồng.
Để hạn chế nguy cơ trẻ bị sâu răng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết Bộ Y tế sẽ phát động các sáng kiến trên toàn quốc nhằm giáo dục mọi người về tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng; vận động các trường học, nơi làm việc và trung tâm cộng đồng tăng cường vệ sinh răng miệng, hướng dẫn cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh và giá trị của việc kiểm tra răng miệng định kỳ.
Bên cạnh đó, ngành Y tế khuyến khích cộng đồng sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride vì fluoride đã được chứng minh có thể làm giảm sâu răng.
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ phát triển quan hệ đối tác với các trường học để cung cấp các buổi kiểm tra răng miệng và ứng dụng chất trám bít thường xuyên cho trẻ em; đào tạo giáo viên để củng cố các biện pháp vệ sinh răng miệng tốt trong lớp học.
Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ mở rộng dịch vụ nha khoa ở vùng nông thôn, tăng kinh phí cho các phòng khám nha khoa lưu động để tiếp cận các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa; đào tạo nhân viên y tế địa phương để cung cấp các dịch vụ phòng ngừa cơ bản và hướng dẫn cộng đồng bảo vệ răng miệng. Đồng thời, vận động chính sách của chính phủ hỗ trợ chăm sóc nha khoa phòng ngừa cho cộng đồng.
Phẫu thuật miễn phí cho trẻ em dị tật khe hở môi-vòm miệng
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba vừa phối hợp với Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí cho gần 100 trẻ em bị khe hở môi-vòm miệng. Chương trình này đánh dấu 35 năm hợp tác giữa hai tổ chức trong việc mang lại cơ hội thay đổi cuộc đời cho những bệnh nhân mắc dị tật này.
Sau khi các bác sỹ của bệnh viện và tổ chức Operation Smile tiến hành khám sàng lọc cho khoảng 130 bệnh nhân, gần 100 em nhỏ đã đủ điều kiện phẫu thuật. Trong số các bệnh nhân này, nhiều em đến từ các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, và đặc biệt là con em các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Bác sỹ Cao Đức Chinh, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba, cho biết bệnh viện là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện phẫu thuật cho trẻ em mắc dị tật khe hở môi-vòm miệng tại Việt Nam.
Từ khi bắt đầu triển khai các chương trình, bệnh viện đã thực hiện gần 18.000 ca phẫu thuật, với trung bình mỗi năm tổ chức 5-6 chương trình phẫu thuật và khám sàng lọc cho khoảng 600 bệnh nhân.
Trong tương lai, bệnh viện sẽ tiếp tục phối hợp với Operation Smile để cung cấp điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng, bao gồm phẫu thuật đóng khe hở, chỉnh nha, trị liệu ngữ âm, và tư vấn tâm lý.
Dịch cúm A tại Bắc Kạn có nguy cơ lan rộng trong trường học
Tại tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn đã báo cáo về sự xuất hiện của hai ổ dịch cúm A trong các trường học. Từ ngày 16 đến 18/11, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nông Thượng, một học sinh bị cúm đã dẫn đến việc ghi nhận thêm 7 trường hợp có triệu chứng cúm, trong đó 2 trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm A. Cùng thời gian đó, Trường Trung học cơ sở Bắc Kạn cũng đã ghi nhận 26 ca mắc cúm A.
Trung tâm Y tế Bắc Kạn đang tiến hành giám sát nhanh chóng để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch trong các trường học. Cùng với đó, các biện pháp khử khuẩn khu vực có ca mắc cúm và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe học sinh cũng được triển khai.
Chính quyền địa phương cảnh báo cúm A có khả năng lan rộng trong môi trường tập trung đông người như trường học, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết lạnh ẩm và ô nhiễm môi trường hiện nay, là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan.
Các bác sỹ khuyến cáo người dân cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, và tiêm vắc-xin phòng cúm mùa. Khi có triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.