Bệnh nhân Covid-19 nặng và nhập viện tăng
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian gần đây, thường hơn 100 ca/ngày, có ngày lên đến gần 140 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7/2022, số bệnh nhân nặng chỉ vài chục ca, có ngày chỉ còn không đến 20 ca.
Số ca tử vong những tháng trước hầu như không có, tuy nhiên, gần đây, có ngày, số bệnh nhân tử vong đã lên đến 4 ca (ngày 30/8). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày.
Qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế yêu cầu đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện và gửi xét nghiệm giải trình tự gen. Ảnh minh hoạ |
Tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vắc-xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn thấp.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tăng cường rà soát và triển khai truyền thông, tiêm vắc-xin cho người dân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm tại các Bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc Covid-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng (khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ Covid-19).
Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 cho trẻ em còn thấp
Ngày 2/9, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19, tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 257.377.986 mũi.
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 19 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.680.801, trong đó mũi 1: 9.461.096 trẻ (đạt tỷ lệ 84,9%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 67%: Đà Nẵng (60,9%); Quảng Nam (64,5%); TP Hồ Chí Minh (55,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu (66,9%); Bình Dương (60,6%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,4%); Tuyên Quang (98,1%); Cà Mau (99,8%).
Mũi 2: 6.219.705 trẻ (đạt tỷ lệ 55,8%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 39%: Đà Nẵng (21,7%); Quảng Nam (22%); TP Hồ Chí Minh (31,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (38,6%); Bình Dương (27,2%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (90,1%); Sóc Trăng (94,7%); Cà Mau (85%).
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.605.539 trẻ (đạt tỷ lệ 53,3%).
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Phú Yên (17,4%); TP Hồ Chí Minh (30,5%); Bà Rịa- Vũng Tàu (15,3%); Đồng Nai (24,3%); Bình Dương (22,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (92,4%); Kon Tum (87,6%); Sóc Trăng (90,8%).
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 50.122.365 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,5%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (57,4%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).
Tiêm mũi 4:Tổng số có 14.477.352 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (59,2%); Đà Nẵng (47,9%); TP Hồ Chí Minh (50,5%); Đồng Nai (53,7%); Tây Ninh (54,9%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,8%); Hưng Yên (97,3%); Bắc Kạn (99,1%).
Đồng Nai: Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tăng cao
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, nhu cầu người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tăng gấp đôi so với bình thường.
Trung bình mỗi ngày, Phòng Tiêm chủng của Trung tâm tiếp nhận từ 30-40 trường hợp đến tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Nguyên nhân là do người dân bị chó, mèo nuôi trong nhà hoặc chó mèo thả rông cắn. Có nhiều trường hợp người dân từ các huyện xa như: Cẩm Mỹ, Định Quán đến để tiêm vắc-xin.
Để phòng bệnh dại, bác sĩ khuyến cáo người dân sau khi bị chó mèo hay động vật hoang dã cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng. Sau đó dùng cồn 70% để khử trùng sát khuẩn.
Nên rửa vết thương cho người bị chó, mèo cắn dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút để sát trùng vết thương. Những thao tác xử lý vết thương thực hiện sớm sẽ có tác dụng sát khuẩn phòng virus dại hiệu quả.
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vắc-xin ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian.
Đắk Nông: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký văn bản đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vắc-xin trên địa bàn, bảo đảm tiến độ theo đúng chỉ đạo.
Số vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ sử dụng kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí. Các cấp chính quyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” vận động người dân tiêm vắc-xin.
Các ngành chức năng, địa phương tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp, tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 và 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Giao Sở Y tế bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, tăng cường trao đổi, tham khảo các nguồn thông tin, để dự báo diễn biến, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp cũng như tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.