Căn bệnh này không chỉ có sự gia tăng nhanh số người mắc, mà còn trẻ hoá đối tượng mắc và gia tăng các biến chứng… ảnh hưởng lớn sức khỏe và chi phí điều trị.
PGS-TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Liên đoàn Đái tháo đường thế giới công bố, năm 2021, toàn cầu có 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng tỷ lệ cứ 10 người trong độ tuổi 20-79 có một người mắc đái tháo đường.
Nhưng có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Chi phí y tế dành cho việc chăm sóc, điều trị và theo dõi đái tháo đường cũng không ngừng tăng theo từng năm.
Vào năm 2010, Việt Nam tiêu tốn khoảng hơn 100 triệu USD cho toàn bộ phát sinh y tế liên quan đái tháo đường, tương đương trung bình 62 USD trên mỗi đầu người.
Chỉ chưa đầy một thập kỷ sau, vào năm 2019, con số tổng cho toàn bộ bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam là 1,2 tỷ USD, tương đương chi phí trung bình đầu người bỏ ra là 322 USD.
Dự đoán đến năm 2045, con số tổng tăng lên gấp rưỡi, chạm mức khoảng 1.8 tỷ USD. Như vậy, gánh nặng kinh tế mà bệnh lý này tác động trên dân số thực sự lớn.
Khi phân tích cụ thể hơn, chi phí nói trên được phân bổ sử dụng vào việc khám, tầm soát, xét nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm theo dõi định kỳ, thuốc men kiểm soát bệnh, phí tổn điều trị biến chứng và bệnh đi kèm, đồng thời tính cả thiệt hại về kinh tế do hao hụt ngày công lao động.
Với mức độ phổ biến trong dân số hiện tại và không ngừng gia tăng nhanh chóng, đái tháo đường được xem là một vấn đề y tế đáng báo động tại Việt Nam.
Bệnh không chỉ để lại nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ mà còn là gánh nặng kinh tế cho cá nhân bạn, gia đình lẫn toàn xã hội.
Tại Hội thảo về kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường vừa được tổ chức bởi Hội Đông y Việt Nam, PGS-TS. Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đái tháo đường là căn bệnh không lây nhiễm đang trở thành phổ biến ở xã hội hiện đại.
Nó không chỉ có sự gia tăng nhanh số người mắc, mà còn trẻ hoá đối tượng, gia tăng các biến chứng… ảnh hưởng lớn sức khỏe và chi phí điều trị.
Theo báo cáo điều tra quốc gia do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện trên quy mô toàn quốc, năm 2002, đối tượng ở độ tuổi từ 30-69 mắc bệnh đái tháo đường chiếm 2,7%.
Sau 10 năm, đến năm 2012, tỉ lệ này tăng lên 5,4%. Điều tra mới nhất năm 2020 cho thấy, tỉ lệ này đã tăng lên 7,3%.
Điều nguy hiểm là có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường rất phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít vận động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70%.
Cũng theo Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện nay, việc kết hợp điều trị Đông y với Tây y trên bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là bệnh nhân đã có biến chứng về thần kinh, bệnh nhân sau mắc tai biến có hiệu quả rất cao.
Rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng thần kinh, cơ thể bị tê buốt, không ngủ được, tuy nhiên khi được điều trị kết hợp bằng thuốc Tây y với phương pháp châm cứu của Đông y thì hiệu quả rất cao.
“Những bệnh nhân sau khi bị tai biến từ bệnh đái tháo đường, nếu áp dụng các phương pháp Đông y và phục hồi chức năng cũng rất hiệu quả", TS. Phan Hướng Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, đó là khi bệnh nhân tìm tới các bài thuốc chất lượng, còn với cá bài thuốc không rõ chất lượng thì tiềm ẩn nguy cơ.
Lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo người bệnh không nên sử dụng các thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.
Nếu thuốc có nguồn gốc rõ ràng và có sự theo dõi của bác sĩ thì người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng vì sự kết hợp này mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.
Theo Đông y, bệnh đái tháo đường đã được ghi trong Hoàng đế Nội kinh, với bệnh danh Tiêu khát, nguyên nhân do ngũ tạng hư nhược, ăn uống và tình chí không điều độ.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều (tam đa nhất thiểu); thuộc phạm vi chứng tiêu khát của y học cổ truyền.
Theo Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế có đưa ra mục tiêu, trong thập kỷ này phải khống chế tỉ lệ tiền đái tháo đường dưới 16%; khống chế tỉ lệ đái tháo đường dưới 8%; 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
Về phía Hội Đông y, theo PGS-TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, theo Đông y, đái tháo đường được ghi trong Hoàng đế Nội kinh với bệnh danh tiêu khát; nguyên nhân do ngũ tạng hư nhược, ăn uống và tình chí không điều độ. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp là: ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều.
Khi kết hợp Đông -Tây y, người bệnh vẫn duy trì các thuốc do bác sĩ Tây y chỉ định, nhưng dùng thêm các thuốc Đông y để giúp nâng cao thể trạng, hồi phục các chức năng của tạng phủ… từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Trong kết hợp Đông-Tây y điều trị bệnh đái tháo đường thì đề cao vai trò cá nhân hóa. Từng cá nhân có liệu trình khác nhau, người trẻ tuổi hoàn toàn khác người cao tuổi.
Quan điểm trong điều trị bệnh đái tháo đường là càng sớm, càng tốt; điều trị tích cực ngay từ đầu và Tây y đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng Đông y cũng có những đóng góp, nhất là với các bệnh nhân có biến chứng thần kinh, tê buốt chân, tay không ngủ, giảm cân nhanh... kể cả những bệnh nhân tai biến sau đái tháo đường cũng có sự cải thiện tích cực.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường sử dụng các loại thuốc Đông y phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mua tại những cơ sở được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp phép.
"Khi mắc bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa, tuyệt đối không mua thuốc điều trị không rõ nguồn gốc rõ ràng kẻo “tiền mất, tật mang” bởi đã có trường hợp phải trả giá bằng chính tính mạng của mình",