Mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Trong thời gian qua, những biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá đã đem lại hiệu quả rõ rệt. |
Có đến 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá theo ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP.
Việt Nam đã thực hiện một số chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá như thu thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá.
Đặc biệt, với việc ra đời của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá với những hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, chúng ta đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực trong việc giảm tác hại của sản phẩm này với sức khoẻ người dân.
Cụ thể, trong hơn 10 năm qua (từ năm 2012 đến nay), Quỹ đã hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng cho hơn 100 đơn vị trên toàn quốc triển khai hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Nhờ đó, đến nay, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022-2023 cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%; tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 87,7%.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông cộng cộng.
Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang... tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 42,3% (năm 2020) và 38,9% (năm 2022). Trong nhóm thanh thiếu niên (từ 13 đến 15 tuổi) giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).
Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm. So với năm 2010, thì đến năm 2022, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 32,9% (từ 55,9% xuống 23%);
Tại cơ sở y tế giảm 2,3% (từ 23,6% xuống 21,3%); tại trường trung cấp, cao đẳng và đại học giảm 23,6% (từ 54,3% xuống 30,7%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15,4% (từ 34,4% xuống 19%); tại nhà hàng, quán ăn giảm 16,3% (từ 84,9% xuống 68,6%); tại gia đình giảm 27,5% (từ 73,1% xuống 45,6%)...
Thông qua các hoạt động do Quỹ hỗ trợ như xây dựng, phổ biến tài liệu hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng;
Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn, cung cấp các sản phẩm truyền thông, đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của các lãnh đạo các đơn vị đến các cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân đối với việc tuân thủ các quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng, qua đó đảm bảo tạo môi trường không khói thuốc lá và giảm thiểu các nguy cơ sức khoẻ cho người dân.
Mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá với sự hỗ trợ của Quỹ ngày càng lớn mạnh và duy trì trên toàn quốc với trên 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội; 63 tỉnh, thành phố.
Hàng năm, hầu hết các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đều xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện.
Thông qua sự điều phối của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, mạng lưới các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học tham gia hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả.
Những thành tựu trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, Việt Nam là một trong các quốc gia, được trao giải thưởng toàn cầu vì những nỗ lực trong thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức Liên hiệp quốc đánh giá cao, đồng thời cũng là mô hình mà các nước đang phát triển hướng tới để có được nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc.
Năm 2015 dưới sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã thành lập Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh.
Đến thời điểm hiện tại Bệnh viện đã cai nghiện thuốc lá thành công cho hàng nghìn bệnh nhân nghiện thuốc lá trong và ngoài nước.
Bệnh nhân khi đến Bệnh viện cai nghiện thuốc lá sẽ được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng hai phương pháp: Dùng thuốc và không dùng thuốc.
Phương pháp không dùng thuốc: Nhĩ châm kết hợp phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng. Đây là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh.
Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc lá chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra.
Còn phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng để hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.
Phương pháp dùng thuốc: Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm BTL/trà nhúng BTL nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho bệnh nhân.
Bên cạnh hội chứng cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.
Hiện nay, 2 phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả rất cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thành công cai thuốc lá phụ thuộc rất lớn vào ý chí vào sự quyết tâm cai thuốc của bản thân người hút thuốc lá. Hãy từ bỏ thuốc lá ngay ngày hôm nay vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.
Thiết nghĩ với các nỗ lực trong suốt hơn 10 năm qua cùng với hiệu quả ghi nhận, tin tưởng rằng những biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng để nhiều mảnh đời được cứu sống, để không còn những "cái chết trắng" ám ảnh.
Được thành lập năm 2012, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy định tại Điều 29 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cụ thể như sau:
Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng;
Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
Tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng;
Tổ chức cai nghiện thuốc lá;
Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
Nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học;
Thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá...