Quang cảnh một hội nghị xúc tiến đầu tư. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Nếu nói về hiệu quả, thì các cuộc gặp mặt đầu năm như vậy có thể coi là một trong những phương thức xúc tiến đầu tư đúng cách. Bởi đây là dịp để các nhà lãnh đạo địa phương chia sẻ tầm nhìn phát triển của tỉnh và truyền tải thông điệp tới các nhà đầu tư, cũng là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Và cũng đã thành thông lệ, sẽ luôn có những dự án được cấp chứng nhận đầu tư hoặc trao chủ trương đầu tư, coi như “lấy hên” đầu năm, kỳ vọng một năm thành công trong thu hút đầu tư của địa phương.
Hình thức trên còn là cách “xúc tiến đầu tư tại chỗ” được nhiều địa phương áp dụng trong thời gian qua, được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, đánh giá cao.
Đơn cử, ngày 21/2 tới, Nghệ An sẽ tiếp tục tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư sau nhiều năm tổ chức thành công. Hàng trăm nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ có mặt tại hội nghị này, hứa hẹn tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực. Minh chứng cụ thể là qua 7 lần Nghệ An tổ chức hội nghị, đã có 95 thỏa thuận đầu tư được ký kết với tổng vốn đăng ký hơn 101.700 tỷ đồng.
Điều quan trọng là không chỉ có nhiều dự án được triển khai từ những thỏa thuận đầu tư được ký, trong đó khu VSIP Nghệ An có thể coi là một trong những ví dụ điển hình, mà sức lan tỏa từ các hội nghị này đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư khác. Số doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư vào Nghệ An ngày càng tăng cả về số lượng, về quy mô dự án, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Câu chuyện tương tự với Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay đầu Xuân Bính Thân, tại Hội nghị Đầu tư của tỉnh, nhiều thỏa thuận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được trao cho các dự án lớn, với tổng vốn đầu tư lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, có không ít dự án đáng chú ý, như Dự án Xử lý bụi lò thép tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 với tổng vốn 115 triệu USD của nhà đầu tư Zincox Resources PLC (Vương quốc Anh); hay Dự án Nhà máy Sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nhà đầu tư CJ Cheiljedang Corporation (Hàn Quốc) với tổng vốn 18,3 triệu USD; rồi Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao của CTCP Năng lượng IREX với số vốn 385 tỷ đồng…
Ở nhiều địa phương khác, động thái cũng diễn ra tích cực. Điều đó minh chứng đây là cách xúc tiến đầu tư khá hiệu quả. Song có lẽ, việc tổ chức những hội nghị như vậy là chưa đủ, bởi còn cần hơn nữa sự đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, từ việc tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, hay các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, trong xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án…
Việt Nam đang có cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song việc cả nước nói chung, từng địa phương nói riêng có tận dụng được các cơ hội đó hay không lại phụ thuộc rất lớn vào phương thức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xúc tiến đầu tư, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rất nỗ lực trong cải thiện và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Mặc dù vậy, nỗ lực này rất cần sự hợp tác của các địa phương để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, manh mún, chồng lấn và thiếu hiệu quả, nhất là các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.