Tình trạng nghẽn lệnh khiến các lệnh giao dịch gặp khó khăn khi vào thị trownfg trong phiên chiều |
Chỉ sau hơn 10 phút buổi chiều, giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM bắt đầu có dấu hiệu tắc nghẽn. Từ 13h30 đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch, sàn HoSE chỉ hấp thụ thêm gần 400 tỷ đồng. Việc các nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình đặt lệnh tại sàn HoSE liên tục diễn ra các tháng gần đây và vẫn chưa thể khắc phục ở thời điểm hiện tại.
Dù chỉ số trên ba sàn chứng khoán của Việt Nam đều rơi sâu từ sau 10h40p sáng nay và bắt đầu hồi phục trong phiên chiều, các cổ phiếu trên sàn HNX và UPCoM có sức bật mạnh hơn cổ phiếu sàn HoSE. HNX-Index quay lại sắc xanh vào cuối phiên và trở thành chỉ số chứng khoán hiếm hoi tăng điểm trong các sàn giao dịch chứng khoán châu Á.
Chỉ số VN-Index lao dốc nhanh phiên sáng và chỉ nhích nhẹ với thanh khoản thấp ở phiên chiều |
Kết thúc phiên hôm nay, VN-Index đóng cửa ở mức 1.168,5 điểm, giảm 18,43 điểm (-1,58%), trong khi HNX-Index tăng 1,67 điểm (+0,66%). Tại châu Á, ngoài HNX-Index, số lượng các chỉ số chứng khoán tăng điểm rất ít, với mức tăng khiêm tốn như sàn chứng khoán Singapore tăng 0,16%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông giảm tới 674 điểm (-2,26%), chỉ số Shang Hai của sàn Thượng Hải hay Nikkei 225 giảm lần lượt 2,26% và 2,13%. Đêm qua, các cổ phiếu trên phố Wall cũng bị bán mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ.
Trái với kỳ vọng đầu tuần, mốc lịch sử 1.200 điểm lại ngày càng xa tầm với của VN-Index. Thời điểm cuối tháng 1/2021, việc không thể cản phá ngưỡng tâm lý trên cũng kéo theo áp lực bán chốt lời ròng rã nhiều phiên. Cổ phiếu trụ cột của thị trường kéo chỉ số chung giảm sâu. Chỉ riêng trong nhóm VN-30 (gồm các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường thỏa mãn các điều kiện về thanh khoản), đã có 29/30 mã cổ phiếu giảm giá. VIC là cổ phiếu hiếm hoi tăng điểm nhưng đến khi đóng cửa giá cũng chỉ còn về ngang giá tham chiếu.
VPB, NVL, CTG, DGC, BCM là những cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi tăng giá, đóng góp nhiều nhất kéo chỉ số bớt giảm. Ở chiều ngược lại, các trụ cột chính như Vinhomes, Vietcombank, BIDV… đều giảm.
Trên sàn HNX, cổ phiếu kéo chỉ số tăng giá nhiều nhất là tân binh BacABank (mã BAB) và Thai Holding (THD). Số lượng cổ phiếu tăng/giảm giá trên sàn HNX khá ngang ngửa (96/101). Còn trên sàn HoSE, 254 mã cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ trong khi chỉ hơn 90 cổ phiếu tăng giá. Nhiều cổ phiếu đã có sự phục hồi sau khi bất ngờ giảm sâu trong phiên sáng nhưng vẫn chưa thể bật lại, một phần do điều kiện giao dịch khó khăn của phiền chiều.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ra trên hai sàn chứng khoán niêm yết lần lượt đạt 230 tỷ đồng (HoSE) và 13,5 tỷ đồng (HNX), riêng sàn UPCoM được khối ngoại mua ròng. Giá trị bán ròng trên HoSE giảm đáng kể so với hôm qua, nhưng một phần cũng nhờ đợt mua lại cổ phiếu quỹ của Petrolimex của nhà đầu tư Nhật Bản là Tập đoàn ENEOS Corporation. Cổ phiếu PLX được mua ròng nhiều nhất trên sàn chứng khoán (hơn 113 tỷ đồng). Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra mạnh phiên hôm nay gồm VNM (hơn 75 tỷ đồng), VIC (60 tỷ đồng), VCB (34 tỷ đồng)… Xu hướng bán ròng của khối ngoại đã duy trì suốt hai tuần giao dịch với tổng giá trị bán ròng 4.480 tỷ đồng.