Ngân hàng - Bảo hiểm
Hồ sơ Panama và vấn đề chống chuyển giá tại Việt Nam (Phần 2)
Với sự kiện Hồ sơ Panama, các cơ quan thuế phải giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp đến từ các “thiên đường thuế", đồng thời cần có những thông tin minh bạch về những tổ chức, cá nhân người Việt liên quan đến hồ sơ này.

Kiểm soát vốn: Vì sao con voi chui lọt lỗ kim?

Trong xu thế hội nhập tài chính đang diễn ra mạnh mẽ, để quản lý dòng chu chuyển vốn quốc tế, Việt Nam đã tiến hành tự do hóa tài khoản vãng lai vào năm 2005, nhưng vẫn duy trì kiểm soát tài khoản vốn một cách nghiêm ngặt. Nghĩa là, mọi giao dịch liên quan đến việc di chuyển dòng vốn ra hay vào Việt Nam đều phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan hữu trách.

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và cũng  từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, người Việt Nam là cá nhân hay tổ chức không dễ dàng mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Việc mở tài khoản ở nước ngoài nói chung là vô cùng hạn chế, hạn hữu và bị hệ thống pháp luật quản lý rất chặt chẽ. Mặc dù Việt Nam đã tự do hóa các giao dịch vãng lai, nhưng để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài dù với bất kỳ mục đích gì cũng cần có đầy đủ các chứng từ để chứng minh.

Hồ sơ Panama đã phanh phui hàng trăm ngàn công ty trên toàn cầu có liên quan đến các “thiên đường thuế”.

Thế nhưng hồi tháng 12/2015, Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (Global Financial Integrity - GFI), một tổ chức chuyên nghiên cứu và giám sát dòng chu chuyển vốn quốc tế đã công bố Báo cáo "Dòng tài chính trái phép từ các quốc gia đang phát triển giai đoạn 2004 - 2013" . Theo đó, trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm, Việt Nam có hơn 9,29 tỷ USD dòng tiền bất hợp pháp được chuyển ra nước ngoài. Như vậy, trong giai đoạn nói trên, đã có 93 tỷ USD di chuyển một cách bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với kết quả này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 18/149 quốc gia đang phát triển theo xếp hạng của GFI về chu chuyển vốn quốc tế bất hợp pháp.

Vì vậy, công chúng hoàn toàn có quyền gắn kết những sự kiện và số liệu trên với nhau để đặt ra câu hỏi rằng, liệu việc 189 tổ chức và cá nhân Việt Nam xuất hiện trong các tài liệu rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca và việc mỗi năm có gần chục tỷ USD chảy ra khỏi lãnh thổ một cách bất hợp pháp có liên quan với nhau hay không và bằng cách nào mà một “con voi ngoại tệ” lại có thể chui lọt được “lỗ kim” kiểm soát của các cơ quan “gác cổng” tài khoản vốn. Bởi vì, để có thể chuyển ra khỏi Việt Nam hàng chục tỷ USD mỗi năm là điều không hề đơn giản, thậm chí “nhiệm vụ bất khả thi”, nếu không có sự tư vấn và trợ giúp của những công ty kiểu như Mossack Fonseca.

Đương nhiên, khi được hỏi thì bất cứ ai trong số những người có tên trong hồ sơ Panama đều cho rằng, điều đó là bình thường, họ đều có những nguyên nhân và giao dịch hợp pháp để lý giải vì sao tên của mình lại nằm trong danh sách. Điều này cũng hoàn toàn giống như câu hỏi vì sao những công ty như Mossack Fonseca lại có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề bị “sờ gáy”.

Câu trả lời đơn giản là, tất cả những gì họ làm đều hợp pháp, theo luật của chính quyền sở tại. Nhưng nó lại là bất hợp pháp bởi một chính quyền nước khác, hoặc trên bình diện kinh tế toàn cầu, nó dẫn đến sự rối loạn hệ thống tài chính quốc tế và tổn hại sâu sắc đến lợi ích kinh tế của phần lớn các quốc gia, cho nên mới dẫn đến việc 300 nhà kinh tế học hàng đầu thế giới đã cùng ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi tới chính phủ các nước yêu cầu xóa sổ vĩnh viễn các “thiên đường thuế” này.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tuyên bố sẽ điều tra, nhưng câu hỏi được đặt ra là nếu không bùng nổ sự kiện Hồ sơ Panama, thì liệu các cơ quan chức năng có nắm bắt được các thông tin đã nêu trên và đã có bất cứ động thái nào để làm rõ hay không? Vì thế, Hồ sơ Panama đã đóng vai trò cung cấp thông tin hay tạo áp lực để các cơ quan chức năng trong nước mở cuộc điều tra hay là cả hai. Nhưng cho dù là với bất cứ nguyên nhân nào thì công chúng cũng có quyền được cung cấp thông tin minh bạch, hay nói đúng hơn là trong những cái “bình thường” có tồn tại những gì “bất thường” hay không là điều cần được làm rõ.

Hồ sơ Panama và câu chuyện chống chuyển giá của Việt Nam

Sự kiện hồ sơ Panama, như lời ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, đã thức tỉnh cơ quan thuế giám sát mạnh hơn các doanh nghiệp từ các “thiên đường thuế". Còn câu chuyện dai dẳng lâu nay gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế là vấn đề chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tránh thuế vẫn chưa thực sự có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả từ các cơ quan thuế.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, riêng trong năm 2015, sau khi thanh tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chức năng đã thực hiện giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng và truy thu hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, những kết quả này, theo nhiều chuyên gia, chỉ là phần nổi vô cùng nhỏ của tảng băng chìm tại Việt Nam.

Và đến khi sự kiện Panama bùng nổ thì công chúng trong nước mới được biết đến thông tin là “thiên đường thuế” British Vigrin Islands (BVI) đã đầu tư 20 tỷ USD vào Việt Nam, mặc dù GDP của họ vỏn vẹn có 1 tỷ USD. BVI chính là nơi mà Mossack Fonseca đặt hơn 40% các công ty vỏ bọc trong tổng số 214.000 công ty của mình tại đây.

Đến hết năm 2015, BVI đã nằm trong top 5 các quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, với 623 dự án đầu tư khắp các tỉnh, thành phố, với tổng số vốn lên tới 19,3 tỷ USD. Có thể kể ra một số dự án lớn của các doanh nghiệp đến từ BVI như Công ty TNHH Trung tâm thương mại VinaCapital; Công ty TNHH GVD Việt Nam đầu tư xây dựng, quản lý khu căn hộ và các dịch vụ vận chuyển khách du lịch, cho thuê xe; Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Ngoài ra, một số quỹ đầu tư tên tuổi trên thị trường chứng khoán cũng đến từ BVI, như Dragon Capital, VAM, Indochina Capital Adviser, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd.

Cần khẳng định một cách hết sức rõ ràng rằng, hoàn toàn không có gì sai hay bất hợp pháp khi 189 tổ chức và cá nhân người Việt có tên trong danh sách rò rỉ từ Hồ sơ Panama. Thậm chí là rất bình thường nếu các cá nhân và tổ chức này lập ra các công ty vỏ bọc để thực hiện đầu tư ra nước ngoài, như cách lý giải của một nhà đầu tư tên tuổi trên thị trường chứng khoán và ông này còn cho rằng, nhờ vào sự kiện này mà quỹ đầu tư của ông ta được quảng cáo rộng rãi một cách miễn phí. Nhưng nếu các công ty vỏ bọc này sau đó quay lại đầu tư, nắm giữ các tài sản hoặc danh mục đầu tư trong nước mà không khai báo minh bạch thì điều đó lại hết sức bất thường và cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Như vậy, một câu hỏi tiếp tục được đặt ra là, liệu có mối liên hệ nào giữa các tổ chức và cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama với các doanh nghiệp FDI kể trên hay không? Hay có mối quan hệ nào giữa các công ty vỏ bọc với các doanh nghiệp FDI này hay không? Ngay cả trong trường hợp câu trả lời là có, thì đó cũng là những việc bình thường, nhưng điều quan trọng là, những khai báo về sở hữu và vấn đề nộp thuế có được thực hiện đầy đủ và hợp pháp hay không. Đây là điều cần được các cơ quan chức năng làm rõ để không tạo ra các luồng dư luận cảm tính, suy đoán không có căn cứ về hoạt động của họ ở các công ty nước ngoài. Thực hiện được điều này là vừa bảo vệ được uy tín của các nhà đầu tư và vừa đảm bảo quyền được minh bạch thông tin của công chúng.

Chuyển giá là câu chuyện muôn thuở mà các quốc gia  tiếp nhận dòng vốn FDI lớn như Việt Nam phải đối mặt. Hàng năm, chúng ta đưa ra rất nhiều ưu đãi về chính sách, đánh đổi nhiều thứ để có thể tiếp nhận bình quân chưa đến 10 tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta đã để hàng chục tỷ USD di chuyển bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ và thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế vì chuyển giá. Như vậy, liệu nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế có thực sự được đảm bảo và những ích lợi của FDI có thực sự bù đắp cho những đánh đổi mà cả nước đang gánh chịu hay không?

Trong những ngày này, nhân dân cả nước lo lắng về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Gánh nặng cuộc sống đang ngày càng đè nặng lên những ngư dân ở miền Trung và nông dân ở miền Tây Nam Bộ. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng mau chóng có những thông tin minh bạch về các nghi vấn xoay quanh Hồ sơ Panama có liên quan đến người Việt Nam và đặc biệt là ngành thuế có thể thu đúng thu đủ số thuế của các doanh nghiệp FDI nộp vào ngân sách, góp phần làm vơi đi sự nhọc nhằn và tạo thêm niềm tin cho công chúng.

Tin liên quan
Tin khác