Đầu tư
Hồ sơ tuyển dụng chất đống ở Nokia và Samsung
Nguyên Đức - 19/06/2013 12:43
Không chỉ là lao động, hàng loạt vấn đề các địa phương sẽ phải đối mặt và chuẩn bị khi thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn.

Hơn 20.000 hồ sơ đã nộp vào Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) trong đợt tuyển dụng hồi tháng 4 vừa qua. Hơn một nửa con số ấy là lượng hồ sơ mà Nokia Việt Nam đã nhận được chỉ trong một thời gian ngắn, để chuẩn bị cho việc nhà máy sản xuất điện thoại di động của tập đoàn này ở Bắc Ninh tăng công suất vào tháng 8, tháng 9 tới, sau một thời gian vận hành sản xuất ở quy mô nhỏ hơn.

Lao động tay nghề cao đang có rất nhiều cơ hội tại các doanh nghiệp
của SEV cũng như Nokia Việt Nam. (Ảnh: Đức Thanh)

Nhìn vào số lượng đơn nộp, cùng với mối quan tâm của bạn đọc Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, sau khi SEV và Nokia đăng tải thông tin về việc có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn nhân viên, có thể thấy, cả hai doanh nghiệp này có lẽ không quá khó khăn để có được số lượng lao động mình cần.

Hơn 20.000 hồ sơ, nhưng Samsung chỉ chọn khoảng 3.000 hồ sơ và tuyển dụng 1.200 lao động trong số ấy. Tương tự, Nokia cũng đang phải rất vất vả để sàng lọc hồ sơ, hòng tìm kiếm được những nhân lực phù hợp với nhu cầu của Công ty.

Hồ sơ xin việc “chất cao như núi”, nên dễ hiểu vì sao, ông Ivan Herd, Tổng giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam tuyên bố: “Nokia không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc tuyển dụng lao động”.

Nhưng đấy là lao động phổ thông. Còn những lao động ở trình độ cao hơn, đặc biệt ở các chức danh quản lý, chính một lãnh đạo của Samsung ở Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, cũng đã phải thừa nhận là “rất khó khăn”. Vị này thậm chí còn không giấu quan ngại về việc phải cạnh tranh với đối thủ Nokia, có nhà máy cũng đặt ngay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Thực tế, trong hàng loạt mối quan tâm dành cho Nokia, có không ít người lao động đã từng hoặc đang làm việc cho SEV.

Câu chuyện còn có thể khó khăn hơn, khi nhà máy của Samsung trên Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay và cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng chục ngàn lao động. Thậm chí, khi SEV đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Bắc Ninh, thì nhu cầu lao động còn lớn hơn nữa.

“Chúng tôi cũng đang cần một số lượng lớn kỹ sư để chuẩn bị cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) sẽ đi vào hoạt động tại Hà Nội trong thời gian tới”, ông Kim Yong Seok, Giám đốc Kế hoạch (Samsung Complex) cho biết.

Thiếu nhân lực có tay nghề luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp FDI. Liên tục có những than phiền của các doanh nghiệp FDI xung quang vấn đề này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Chung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, lại có vẻ khá tự tin khi cho biết, Bắc Ninh đang tiếp tục triển khai đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; đồng thời, tăng cường thành lập, liên kết hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm tại các địa phương và khu công nghiệp nhằm kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng...

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư về nguồn nhân lực”, ông Chung khẳng định, song cũng thừa nhận, chỉ một tỉnh Bắc Ninh thì không thể đáp ứng được hết nhu cầu quá lớn về lao động của chỉ riêng SEV, chứ chưa nói đến Nokia.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, vấn đề mà các địa phương cần chuẩn bị khi có các dự án FDI lớn vào Việt Nam, không chỉ là chuyện cung ứng lao động, mà còn là hàng loạt vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, chỗ ở cho người lao động, điện, nước, bệnh viện…

Khẳng định kể từ khi Samsung vào Bắc Ninh, tỉnh cũng đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng cơ sở, như điện, đường…, song ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, tới đây, địa phương sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa trong vấn đề này, nhất là khi thu hút FDI vào tỉnh này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tự lo cho mình, SEV đã xây dựng 4 khu ký túc xá cho người lao động, với sức chứa 2.400 người, đồng thời đang xây dựng tiếp 10 khu nữa, sức chứa 6.000 người, để đáp ứng chỗ ở cho người lao động. Không những vậy, trong khoản đầu tư bổ sung 1 tỷ USD tới đây, Samsung sẽ dành một lượng không nhỏ để xây nhà ở công nhân, trạm y tế, trường học…

“Đúng là khi vào Việt Nam, Samsung đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp vệ tinh. Nhưng các địa phương cũng cần phải chuẩn bị và có chiến lược để làm sao có thể phát triển công nghiệp phụ trợ, khiến ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Như vậy, chúng ta mới thực sự thu lợi ích lớn từ các dự án FDI lớn”, ông Mại nói.

Câu chuyện này có lẽ không chỉ có ý nghĩa với Bắc Ninh, mà còn Thái Nguyên và cả các địa phương khác, một khi các dự án FDI lớn, như Liên hợp Thép Formosa (Hà Tĩnh), Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên)… đi vào hoạt động.

Tin liên quan
Tin khác