Trao đổi với một số cơ quan báo chí, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đơn vị soạn thảo luật khẳng định, Dự thảo Luật không vi phạm các cam kết quốc tế. “Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản khẳng định điều này”, ông Khương thông tin.
Theo ông Khương, DNNVV là đối tượng được loại trừ trong các quy định của WTO và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Thực chất, Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm từ thế giới. Tại nhiều quốc gia, DNNVV thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp, khoảng 97 - 99% và được xác định là “xương sống” của nền kinh tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ này cũng tương đương.
Vấn đề cốt lõi nhất là Luật Hỗ trợ DNNVV quy định không hỗ trợ trực tiếp, không bao cấp, không đưa tiền cho doanh nghiệp, không làm cho doanh nghiệp ỷ lại |
“Hầu hết các quốc gia đã thể chế hóa hỗ trợ DNNVV dưới hình thức đạo luật hoặc luật như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan”, báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp phân tích thêm về quan điểm xây dựng dự thảo luật này.
“Đang có ý kiến đề nghị tên luật là Bảo vệ DNNVV, nhưng cái tên này chưa có tiền lệ. Hơn thế, sử dụng từ hỗ trợ cũng không vi phạm các cam kết quốc tế, bởi DNNVV là đối tượng được loại trừ. Ban soạn thảo Luật cũng cho biết đang xem xét trình Quốc hội Dự thảo luật này với 2 tên gọi là Luật Hỗ trợ DNNVV hoặc Luật Phát triển DNNVV. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất là Luật không hỗ trợ trực tiếp, không bao cấp, không đưa tiền cho doanh nghiệp, không làm cho doanh nghiệp ỷ lại, nhỏ mãi không chịu lớn”, ông Khương nói.
Là người tham gia từ đầu và chứng kiến sự thay đổi nội dung trong dự thảo luật, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam thừa nhận, đã nhìn thấy rõ nguyên tắc này trong Dự thảo.
Ông Nam đánh giá, điểm nổi bật của dự thảo là đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, phủ rộng cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng trên cơ sở của phía cung - cộng đồng doanh nghiệp. Cách tiếp cận và xây dựng luật là đúng đắn, hỗ trợ tới đúng các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận và hưởng thụ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Theo Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần hai, nội dung hỗ trợ DNNVV được chia làm 2 mục, gồm các hỗ trợ chung đối với các DNNVV (7 điều) và hỗ trợ nhóm đối tượng trọng tâm, trọng điểm (4 điều) gồm DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Ông Khương ví von, điều này giống như tránh câu chuyện bốc thuốc bổ cho người mới ốm dậy. “Chúng tôi không hỗ trợ 500.000 DNNVV hiện có, bởi nếu làm vậy thì thành phát chẩn”, ông Khương nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tô Hoài Nam đánh giá, quan điểm tập trung hỗ trợ có trọng tâm nói trên sẽ làm bớt đi cảnh “được mùa - mất giá”.
“Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ giúp tác động tới cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ hỗ trợ mà còn tạo sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa, làm nền tảng để hình thành chuỗi sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển”, ông Nam giải thích.
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
“Việc có nhiều ý kiến trái chiều, phản biện rất cần thiết cho việc xây dựng văn bản pháp luật. Việc tranh luận giúp cho dự luật khi ban hành đảm bảo sự minh bạch, khách quan và rõ ràng là tốt hơn nếu như Dự thảo luật không có ý kiến nào tranh luận. Chúng tôi hy vọng, qua ý kiến của các hiệp hội, các luật sư sẽ giúp ban soạn thảo điều chỉnh câu chữ nhằm phản ánh đúng bản chất của chính sách và đúng mong muốn của Chính phủ”, bà Thủy nói.