Cơn bão số 3 để lại hậu quả rất nặng nề cho nhiều doanh nghiệp và người dân khu vực phía Bắc. Ảnh: Đức Anh |
Cơ cấu nợ bằng nguồn lực của ngân hàng, lợi nhuận và sức khỏe có bị ăn mòn?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị ban hành thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Theo dự thảo, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa là 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2026.
Việc ban hành thông tư này được giới chuyên gia, doanh nghiệp và các ngân hàng đánh giá cao.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, việc ban hành thông tư một mặt giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất, mặt khác giúp ngân hàng không vướng phải giới hạn về nợ xấu để có thể tiếp tục cho vay.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, không phải doanh nghiệp, cá nhân nào bị thiệt hại do bão số 3 cũng được cơ cấu nợ.
Trước hết, ngân hàng chỉ cơ cấu nợ cho các khách hàng được đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc, lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Thứ hai, các ngân hàng cơ cấu nợ bằng nguồn lực của chính mình, nên tùy vào nguồn lực, tiềm lực tài chính của từng ngân hàng mà sẽ quyết định lượng khách hàng được cơ cấu nợ.
Thực tế, việc cơ cấu nợ và giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính, chỉ tiêu lợi nhuận của các ngân hàng. Bà Hồ Thị Hồng Thắm, Giám đốc Agribank Đông Hải Phòng cho hay, chi nhánh ngân hàng này xác định không có lợi nhuận kinh doanh quý IV/2024 để dành toàn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải chi nhánh ngân hàng nào cũng có thể hy sinh toàn bộ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Một vấn đề đáng chú ý nữa, theo quy định hiện hành của Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổ chức tín dụng khi thực hiện cơ cấu nợ phải trích lập đầy đủ 100% dự phòng cụ thể với toàn bộ dư nợ. Dự thảo thông tư mới không đề cập vấn đề trích lập dự phòng rủi ro, song nếu cơ chế này được áp dụng (phải trích lập dự phòng cụ thể 100% với nợ được cơ cấu), thì gánh nặng dự phòng của các ngân hàng sẽ tăng lên rất mạnh, khiến lợi nhuận bị ăn mòn.
Được biết, NHNN đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Nếu đề xuất này được chấp thuận, các ngân hàng có thêm động lực để thực hiện cơ cấu nợ và có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.
Sự hỗ trợ của ngân hàng là chưa đủ
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, mặc dù ngành ngân hàng đang dành mọi nguồn lực, cơ chế để hỗ trợ khách hàng, thậm chí chủ động hy sinh lợi nhuận, giảm lãi suất cho khách hàng, nhưng cơn bão gây thiệt hại quá lớn, nên những hỗ trợ trên chưa đủ để trợ giúp người dân, doanh nghiệp sớm hồi phục.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank
Về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Thế nên, các ngân hàng có thể dành một phần nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp (thông qua giảm lãi vay, thực hiện cơ cấu nợ), song ngân hàng phải ưu tiên hàng đầu cho an toàn hoạt động của mình. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất, thì không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân hàng, mà còn phải tìm kiếm các nguồn lực khác.
Trước mắt, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ rất mong sớm được hướng dẫn thủ tục khoanh nợ, khi hầu hết tài sản đã mất trắng trong cơn bão số 3. Tuy nhiên, thủ tục khoanh nợ rất phức tạp và quá trình diễn ra rất dài. Theo NHNN, thực tế việc xử lý khoanh nợ cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần 6-8 tháng, có trường hợp hơn 1 năm do phải thực hiện xử lý tại nhiều cấp ở địa phương, các bộ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Vì vậy, trong khi chờ đợi các địa phương, bộ, ngành thực hiện thủ tục đánh giá thiệt hại và thực hiện thủ tục khoanh nợ, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần điều phối một số nguồn lực từ các chương trình trước đây vẫn chưa sử dụng hết sang hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Ngoài ra, theo bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank, ngoài nguồn lực của các ngân hàng thương mại, rất cần có chính sách đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ban, ngành, như cho phép khoanh nợ, giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm… để khách hàng vượt qua khó khăn, sớm hồi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.