Ảnh minh họa. |
DNNVV hiện chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, tạo ra 5 triệu việc làm, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. DNNVV Việt Nam đang phát triển chủ yếu theo chiều rộng (tăng về số doanh nghiệp, lao động, vốn).
Đến nay, doanh nghiệp Việt Nam cơ bản chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI (chiếm xấp xỉ 70% kim ngạch xuấu khẩu). Do đó, DNNVV cơ bản mới chỉ tham gia được vào khâu trung gian của chuỗi giá trị toàn cầu với giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động, sử dụng công nghệ ở mức trung bình.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đầu chuỗi đều có nhu cầu và mong muốn làm việc với các nhà cung ứng nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam. Đối với các nhà cung ứng trong nước năng lực đáp ứng còn nhiều hạn chế, khó đáp ứng theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.
“Một trong những lý do chính là năng lực nhà máy, thiết bị, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi chưa có mối liên hệ để tìm kiếm các đối tác để tham gia chuỗi”, ông Nguyễn Trọng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương cho biết.
Để hỗ trợ DNNVV trong nước nâng cao năng lực, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khuôn khổ Hợp phần 3 của Dự án LinkSME, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) đã tích cực phối hợp với Dự án và các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, quản trị cho DNNVV.
Là một DNNVV của Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT luôn mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và chinh phục những khách hàng mới khó tính hơn với tiêu chuẩn cao hơn. Trong hơn 2 năm hợp tác với Dự án LinkSME, các chuyên gia Dự án đã hỗ trợ đào tạo, kiểm toán nâng cao năng lực sản xuất cho JAT. Công ty đã có những đơn hàng thành công, được giới thiệu với các đối tác mới, đồng thời có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, nâng cao công suất.
Với tư cách là một doanh nghiệp đầu chuỗi tìm kiếm các nhà cung cấp đạt chất lượng tại Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ, ông Tống Duy Thái, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại DATA (DATA Group) cho biết, thông qua việc phối hợp trong gần 1 năm qua, ông nhận thấy, Dự án LinkSME đang triển khai rất có ý nghĩa cho DNNVV Việt Nam. Dự án không những góp phần nâng cao năng lực cung ứng cho bản thân các doanh nghiệp sản xuất nội địa, mà còn thúc đẩy việc cung cấp các thông tin minh bạch về sản phẩm, nâng tầm chất lượng theo yêu cầu của các khách hàng nước ngoài. Từ những thành công đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có thêm đà phát triển và mở ra những cơ hội hợp tác lớn hơn trong tương lai.
Bên cạnh việc hỗ trợ kết nối cho DNNVV, Dự án LinkSME cũng tích cực đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các hoạt động hỗ trợ cho DNNVV về chuyển đổi số và tiếp cận tài chính nhằm khắc phục những khó khăn do Covid-19 và đáp ứng xu thế số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sự hỗ trợ của Dự án LinkSME, trong 11 tháng đầu năm, đã có gần 100.000 lượt DNNVV tiếp cận các tài liệu về chuyển đổi số, hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng, 100 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu từ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Công ty cổ phần EUBIZ Việt Nam đã chuẩn hoá chất lượng sản phẩm hạt điều theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, bảo hộ thương hiệu thành công tại Hoa Kỳ và triển khai thủ tục tại châu Âu để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thương mại điện tử quốc tế, đây cũng chính là tờ giấy thông hành để Công ty tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ và EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong 1 năm gần đây, Dự án đã hỗ trợ EUBIZ Việt Nam áp dụng truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain), xây dựng lộ trình và chiến lược chuyển đổi số, từ đó tạo được lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hạt điều trên thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty cổ phần EUBIZ Việt Nam chia sẻ, một trong những yếu tố để khách hàng quốc tế đánh giá cao sự phát triển của một doanh nghiệp xuất khẩu là sự minh bạch thông qua việc chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, gắn với phát triển ERP, CRM.
Về hỗ trợ tiếp cận tài chính, đây là hoạt động mới triển khai của Dự án, nhưng trong thời gian ngắn (10 tháng). Dự án đã hỗ trợ hơn 5 DNNVV vay vốn thành công, với tổng vốn vay đạt gần 40 tỷ đồng và 2 doanh nghiệp đang trong quá trình thỏa thuận để ký kết hợp đồng vay vốn với tổng số tiền khoảng 55 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 500 DNNVV được đào tạo nâng cao năng lực quản trị tài chính.
Nhằm phát huy các kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ tiếp tục phối hợp với Dự án LinkSME thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc.