Trong những năm vừa qua, các nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường – sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.
Theo đó, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng GDP trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030. Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình này trong việc thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam, VBCSD-VCCI đã tiên phong xây dựng Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Nền Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD cho biết, mục tiêu của Chương trình là đề xuất các khuyến nghị về chính sách giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các DN trên thế giới đến cộng đồng DN trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công – tư.
"Tất cả cùng cộng hưởng để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại, và sớm hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của nước nhà", ông Vinh kỳ vọng.
Cụ thể, sáng kiến “Không Xả Thải vào Thiên Nhiên” là hoạt động đầu tiên của Chương trình, hướng đến bốn mục tiêu. Đó là: giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Với hàng loạt các hoạt động như nghiên cứu, truyền thông tăng cường nhận thức trong xã hội nói chung và cộng đồng DN nói riêng về nền kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực và cung cấp các giải pháp kĩ thuật cho khối doanh nghiệp trong ngành nhựa, sáng kiến sẽ được triển khai trong vòng 5 năm, thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Cũng tham gia Lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ, Sứ mệnh của Unilever là tăng trưởng kinh doanh đồng thời với giảm thiểu tác động đến môi trường và không ngừng gia tăng những giá trị xã hội tích cực.
"Chúng tôi cam kết 100% rác thải bao bì nhựa từ các sản phẩm của Unilever sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng cho đến năm 2025. Tại Việt Nam, chúng tôi đã tiên phong xây dựng và triển khai mô hình điểm phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế rác thải bao bì nhựa tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018, nhân rộng mô hình trên toàn quốc. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các đối tác trong Chương trình xây dựng mô hình xử lý rác thải bền vững và tiến tới thành lập nhà máy xử lý rác thải nhựa theo công nghệ Solvolysis của Unilever trên toàn cầu vào năm 2020", bà Vân cam kết.
Còn ông Sanket Ray, Tổng Giám Đốc Coca-Cola Việt Nam thì khẳng định, mục tiêu của Coca-cola đến năm 2030 chính là hỗ trợ thu gom và tái chế tất cả chai nhựa từ các sản phẩm đã được bán ra thị trường. Vị Giám đốc cho biết, tại Việt Nam, Coca-Cola đang trong giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu này. "Chúng tôi sẽ xây dựng thí điểm các hệ thống thu thập và phân loại chai nhựa tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý rác nhựa", ông Ray nói.
Thông qua việc ký kết hợp tác sáng kiến “Zero Waste to Nature” nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các doanh nghiệp đều mong muốn được chung tay để cùng đẩy mạnh việc hiện thực hóa mô hình nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.