Hóa chất Đức Giang sẽ dùng 769,86 tỷ đồng để hợp nhất thêm 2 thành viên mới đầu năm 2023. Ảnh: Lê Toàn |
Sôi động hoạt động M&A
Mới đây, Hóa chất Đức Giang dự kiến chi 635 tỷ đồng để thâu tóm 100% vốn tại Công ty cổ phần Phốt Pho 6 (đang sở hữu 1 lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm), thực hiện trong quý II/2023. Động cơ thâu tóm là tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm H3PO4 (axit phosphoric), Sodium Tripoly phosphate - STPP (Na5P3O10), Sodium hexametha photphate - SHMP (NaPO3)6; ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho; tăng doanh thu và lợi nhuận cho Tập đoàn.
Hiện nay, đơn vị có sản lượng phốt pho vàng lớn nhất của Hóa chất Đức Giang là nhà máy có công suất 40.000 tấn/năm thuộc Công ty TNHH một thành viên Hóa chất Đức Giang Lào Cai. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang nắm giữ 51% cổ phần của Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam - đơn vị hiện sở hữu 2 dây chuyền sản xuất phốt pho vàng với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Trong năm 2022, tổng sản lượng phốt pho vàng của Tập đoàn là 54.145 tấn.
Việc thâu tóm Công ty cổ phần Phốt Pho 6 có thể giúp Hóa chất Đức Giang nâng công suất phốt pho vàng cung cấp ra thị trường và mở rộng quy mô doanh thu và lợi nhuận từ việc hợp nhất thêm thành viên.
Trước đó, ngày 21/3/2023, Hóa chất Đức Giang mua vào 3.440.252 cổ phiếu Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Tibaco, mã TSB) để nâng sở hữu từ 0% lên 51% vốn điều lệ, ước tính giá trị đầu tư khoảng 134,86 tỷ đồng. Tibaco có vốn điều lệ nhỏ (67,45 tỷ đồng), doanh thu tầm 180 tỷ đồng và lợi nhuận từ 3 đến 4 tỷ đồng, đi ngang trong 5 năm gần đây. Sau khi thâu tóm Tibaco, mục tiêu của Hóa chất Đức Giang là đưa doanh thu tại Tibaco lên mức ngàn tỷ trong 5 năm tới.
“Việc mua Tibaco là hướng đến năng lượng tương lai, đặc biệt là pin Lithium, thứ rất phổ biến sử dụng trong xe đạp điện, xe máy điện hay ô tô điện. Tuy nhiên, đây là câu chuyện mang tính ý tưởng, chưa thể nói trước điều gì”, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ.
Nếu thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Phốt Pho 6 thành công, giai đoạn đầu năm 2023, Hóa chất Đức Giang sẽ chi 769,86 tỷ đồng để hợp nhất thêm hai thành viên mới vào Tập đoàn. Tính tới ngày 31/12/2022, Tập đoàn sở hữu 9.006,8 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính (7.471,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng), chiếm 67,2% tổng tài sản. Điều này giúp Tập đoàn tự tin thực hiện các thương vụ thâu tóm trong năm 2023.
Kế hoạch lợi nhuận giảm một nửa
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu doanh thu 10.875 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ là 3.000 tỷ đồng, giảm 50,3% so với thực hiện trong năm 2022. “Chưa năm nào Tập đoàn đặt kế hoạch kinh doanh xấu như vậy, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận tốt so với giai trước đó và trước cổ phần hóa”, ông Đào Hữu Huyền nhấn mạnh.
Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch lao dốc năm 2023 khi vừa trải qua năm 2022 tương đối thành công với doanh thu lần đầu tiên vượt 15.000 tỷ đồng, tiền mặt tích lũy hơn 9.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính hỗ trợ kết quả kinh doanh tích cực này là việc gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy giá phân bón và giá phốt pho vàng tăng cao. Ngoài ra, Công ty đưa vào khai thác thêm Khai trường 25 khi nhu cầu tăng cao.
Tuy nhiên, khi đại dịch về cơ bản đã được khống chế và thế giới bước vào trạng thái bình thường mới, giá phân bón và phốt pho vàng lao dốc, ngay lập tức ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Hóa chất Đức Giang và nhiều dự báo cho rằng, thời điểm tốt nhất của Công ty đã qua. “Không biết năm nào Công ty mới quay lại ‘năm đại thắng’ như năm 2022”, ông Đào Hữu Huyền chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông Hóa chất Đức Giang năm 2023.