Bình Dương có 44 doanh nghiệp FDI có thể bị tác động
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, trong tổng số hơn 4.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại địa phương, có 44 doanh nghiệp nước ngoài có khả năng chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo ông Nhân, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu không ảnh hưởng quá lớn đến thu hút FDI trong thời gian tới của Bình Dương, bởi những doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro tại Bình Dương khá lớn, nên không chịu sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư với mức thuế suất ưu đãi hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Li Shu Ying, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Anctek Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang đánh giá về thuế tối thiểu toàn cầu trong những năm tới. Còn thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chưa bị ảnh hưởng bởi loại thuế này.
Mới đây, tỉnh Bình Dương lấy ý kiến doanh nghiệp FDI trên địa bàn về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp nêu ý kiến mong muốn các cơ quan nhà nước hướng dẫn và quy định rõ các điều khoản chuyển tiếp, làm rõ các nguyên tắc bất hồi tố để doanh nghiệp biết, họ được hưởng những chính sách ưu đãi gì.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị, cần quy định cụ thể trên từng lĩnh vực, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan nhà nước xem xét kỹ các quy định khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cần để tránh xung đột với các luật khác.
Cải thiện môi trường đầu tư hơn là ưu đãi thuế
Tại Hội nghị bàn về chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào Bình Dương trong bối cảnh Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư vẫn là yếu tố then chốt, nếu làm tốt Bình Dương vẫn thu hút được doanh nghiệp FDI và “giữ chân” được các doanh nghiệp đang sản xuất hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, khi không còn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để giải quyết bài toán khó này, thì cần phải xử lý đồng bộ nhiều giải pháp.
Đối với địa phương khi ngân sách nhà nước thu thêm được từ khoản chênh lệch thuế tối thiểu toàn cầu, thì nên hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp bằng việc tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, như chi đào tạo nguồn nhân lực; tăng mức trích khấu hao tài sản cố định; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh…
Về phía Chính phủ, cần tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, giảm các chi phí “không chính thức” cho doanh nghiệp. Song song với giảm chi phí, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm để giảm thiểu tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động; sửa đổi, bổ sung các luật thuế, gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nội dung xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng tình với việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, Nhà nước nên dùng khoản thuế thu được tăng thêm để điều tiết, hỗ trợ nhà đầu tư.
Ông đề xuất, Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất “xanh”, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và ban hành quy định, những chi phí đầu tư này sẽ được khấu trừ vào phần thuế mà doanh nghiệp phải nộp thêm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Liên quan các giải pháp hỗ trợ của tỉnh Bình Dương khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp. Bình Dương đang xây dựng các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu cụm công nghiệp, chú trọng thu hút vốn đầu tư xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.