Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hoa Kỳ hiện có hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 9,4 tỷ USD. |
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Đây chính là viên gạch quan trọng để gắn kết mối quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó mở đường và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước theo hướng bền vững, phát triển sản phẩm, sản xuất và xây dựng thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, Hoa Kỳ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư như kinh doanh dịch vụ khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo...
"Tuy nhiên trên thực tế, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn lớn hơn nhiều do một số công ty lớn đã đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, cấc công ty con của mình đăng ký tại nước thứ 3. Ngoài ra, một số tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Apple, Google,... đều đầu tư vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng của mình”, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.
Hoa Kỳ còn là một trong các nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Năm 2005, Chính phủ Việt Nam và Hoa kỳ đã ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật để tạo khung khổ pháp lý triển khai và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển ODA của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Kể từ đó, các chương trình, dự án ODA của Hoa Kỳ được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế giữa 2 nước.
Nhấn mạnh về mối quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau chặng đường 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, Hoa Kỳ thuộc top 10 trong số 81 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư, với gần 200 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 750 triệu USD, các dự án đầu tư thuộc về Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Vingroup, Vinamilk, Công ty phần mềm FPT, Công ty CP Nhựa An Phát Xanh, Vietcombank…
Liên quan đến tình hình thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay, trong bối cảnh FDI toàn cầu có thể suy giảm đến 40% trong năm 2020, kết quả thu hút FDI 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan, với tổng vốn đăng ký đạt trên 21 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 14 tỷ USD, điều này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,62% trong quý 3 và 2,12 trong 9 tháng.
Con số này là hết sức ấn tượng trong bối cảnh các nước Asean hay các nền kinh tế lớn khác trong khu vực đêu tăng trưởng âm.
Để đón dòng FDI chất lượng cao cũng như thu hút FDI cua các Tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có các DN Hoa Kỳ, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu tư như đất đai, mặt bằng sạch, đẩy nhanh quá trình đảm bảo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, là tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được thông qua với nhiều điểm mới, đơn giản hóa thủ tục đầu tư , tăng cường phân cấp, minh bạch, bổ sung cấc cơ chế ưu đãi đậc biệt cho các dự án quy mô lớn có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng các tiêu chí sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới,quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm đất, chuyển giao công nghệ...