Xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste của Việt Nam vừa bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu. |
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa nhận được thông báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste (Fine Denier Polyester Staple Fiber) có mã HS. 5503.20.0025.
Vụ việc được USITC khởi xướng điều tra ngày 28/2/2024 theo đơn đề nghị từ các nhà sản xuất sợi staple nhân tạo từ polyester của Hoa Kỳ, bao gồm Fiber Industries LLC d/b/a Darling Fibers; Nan Ya Plastics Corp, America; và Sun Fiber LLC.
Nguyên đơn cáo buộc việc nhập khẩu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester đã tăng mạnh so với sản xuất và tiêu thụ nội địa, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước.
Theo thông báo của USITC, các bên có 21 ngày (kể từ ngày đăng công báo Liên bang) để đăng ký tham gia và nhận thông tin về vụ việc. USITC dự kiến sẽ tổ chức 1 phiên tham vấn về thiệt hại và 1 phiên tham vấn về biện pháp áp dụng.
Đối với phiên tham vấn về thiệt hại (dự kiến tổ chức ngày ngày 4/6/2024), thời hạn để đăng ký tham gia là ngày 24/5/2024, thời hạn nộp bình luận về nội dung 28/5/2024. Đối với phiên tham vấn về biện pháp áp dụng (dự kiến tổ chức ngày 23/7/2024, thời hạn để đăng ký tham gia là ngày 17/7/2024 và thời hạn nộp bình luận về nội dung này là ngày 16/7/2024.
Nếu không đăng ký tham gia, các bên vẫn có thể nộp bình luận về thiệt hại trước ngày 11/6/2024 và về biện pháp áp dụng trước ngày 29/7/2024.
USITC dự kiến sẽ ban hành kết luận về thiệt hại vào ngày 9/7/2024 và sẽ báo cáo lên Tổng thống xem xét, quyết định trong vòng 180 ngày kể từ ngày nộp đơn, dự kiến vào ngày 26/8//2024.
Số liệu của USITC, trong giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ xấp xỉ 5,9 triệu USD (riêng năm 2023 là 5,2 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 3% tổng thị phần nhập khẩu vào Hoa Kỳ).
Trước đó, năm 2017, sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam; điều tra chống trợ cấp với Trung Quốc và Ấn Độ; nhưng sau đó Việt Nam được loại trừ khỏi phạm vi điều tra theo đề nghị của nguyên đơn.
Hiện nay, sản phẩm từ các nước/vùng lãnh thổ nói trên (trừ Việt Nam) vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp.
Hoa Kỳ là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới, và cũng là cũng là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam với tổng cộng hơn 50 vụ việc điều tra phòng vệ, bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không được áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ. Mỗi nước nhập khẩu là thành viên của WTO đều có quyền áp dụng biện pháp tự vệ, nhưng khi áp dụng phải đảm bảo tuân theo các quy định của WTO về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ.