Hiện tại Củ Chi có hơn 200 ha trồng hoa lan. |
Giới thiệu với chúng tôi về hoạt động của trang trại hoa lan Huyền Thoại có diện tích 25 ha tại ấp Ba Sòng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM), chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền cho biết, vườn lan đang là nguồn thu nhập chính và mang lại cuộc sống sung túc cho hơn 50 gia đình nơi đây.
Hơn 10 năm trước, đến Ba Sòng thuê đất trồng cao su của người dân để làm trang trại trồng lan, dù phải bứng từng gốc cao su đến bật máu tay để cải tạo đất, chị Huyền vẫn luôn tin tưởng vào sức sống của loài hoa kỳ diệu này. Chị lấy tên “Huyền Thoại” đặt cho vườn lan của mình cũng để ghi nhớ quyết tâm vượt khó những ngày đầu mở đất.
“Hiện tại, ở Củ Chi có hơn 200 ha trồng hoa lan. Trong đó, vườn lan Huyền Thoại là kết quả của chuỗi liên kết 15 hộ gia đình với diện tích 25 ha trồng hoa lan chuyên canh bằng công nghệ cao với hệ thống tưới phun sương, kiểm soát nhiệt độ, độ PH của nước tưới, chống côn trùng… cho sản phẩm chất lượng cao. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2018 của vườn lan Huyền Thoại đã chạm mốc 8 tỷ cành lan các loại, trong đó 20% xuất khẩu sang Campuchia và Ấn Độ”, chị Huyền chia sẻ.
Một mô hình trồng hoa lan khác cũng được nhiều người nhắc đến tại Củ Chi là vườn lan Minh Dũng của bà Nguyễn Thị Bé tại ấp Bến Đò 2 (xã Tân Phú Trung), chuyên cung cấp cây giống, đặc biệt là giống lan mokara chất lượng cao. Sau nhiều năm vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, đến nay, lan giống của vườn lan Minh Dũng đã cung cấp cho nhiều địa phương và xuất khẩu đi nước ngoài, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng/tháng.
“Nếu như trước đây, muốn trồng các giống lan chất lượng cao, người trồng phải nhập khẩu cây giống từ Thái Lan, thì nay, trang trại đã tự chủ được nguồn cây giống cho nhiều nhà vườn ở Củ Chi và TP.HCM với chi phí bằng với 75 - 80% so với nhập khẩu, đồng thời chủ động số lượng, chủng loại cây giống theo yêu cầu khách hàng”, bà Bé cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình trồng hoa lan ở Củ Chi, ông Nguyễn Văn Tủi, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.HCM) bày tỏ, việc Củ Chi đang phát triển rất nhanh nghề trồng hoa lan và biến vùng “đất thép” này thành vựa lan lớn nhất nước giống như một phép lạ.
“Chục năm trước, tôi là người trực tiếp hỗ trợ từ kỹ thuật, nhập giống cho những người trồng lan mới vào nghề ở Củ Chi. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ, số ít nông dân này chỉ làm chơi cho vui, chứ cạnh tranh sao được với hoa lan Thái Lan đang nhập tràn lan trên thị trường. Vậy mà, đến bây giờ, tại Củ Chi đã xuất hiện nhiều cánh đồng lớn hoa lan”, ông Tủi vui vẻ nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm nông sản mà địa phương có thế mạnh, từ năm 2012, Củ Chi đã tham khảo và triển khai một số mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành đến các hộ gia đình, giúp người dân nắm bắt quy trình chăm sóc, phòng trừ một số sâu bệnh hại, tạo sản phẩm chất lượng. Đến nay, các mô hình trồng hoa lan ở Củ Chi
đã mang đến hiệu quả kinh tế ổn định, chủ hộ thu lãi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm/ha đất canh tác, thay đổi đáng kể đời sống người dân khu vực nông thôn.
Kết hợp dịch vụ trải nghiệm vườn lan phục vụ du khách thăm địa đạo Củ Chi
Không chỉ thu từ tiền xuất bán hoa lan, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền cùng các chủ vườn liên kết của vườn lan Huyền Thoại còn đang thử nghiệm triển khai dịch vụ du lịch, trải nghiệm phục vụ du khách đến Củ Chi. Hướng đi này hứa hẹn nhiều triển vọng trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
“Với hàng ngàn lượt du khách đến thăm di tích địa đạo Củ Chi, việc trải nghiệm các mô hình trồng hoa lan sẽ mang đến cho du khách cái nhìn khác về Củ Chi, về sức sống mạnh mẽ của vùng đất này trong hòa bình”, chị Huyền nói.