Sức khỏe doanh nghiệp
Hoa Sen với rủi ro giá thép đảo chiều
Lâm Vũ - 22/06/2021 10:04
Giá các sản phẩm sắt thép điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng suốt từ đầu năm được đánh giá là một trong những rủi ro lớn đối với triển vọng kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Giá trị tồn kho liên tục gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Hoa Sen.

Lợi nhuận tăng mạnh cùng giá thép

Trong những tháng đầu năm 2021, giá thép trên thị trường thế giới liên tục bị đẩy lên cao trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu luyện thép như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… liên tục gia tăng.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), đến giữa tháng 5/2021, giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Thượng Hải tăng lên 6.683 nhân dân tệ (1.037,12 USD)/tấn; thép cây tăng lên 6.171 nhân dân tệ/tấn - đều là những mức giá cao kỷ lục. So với cuối năm 2020, giá thép cuộn cán nóng đã tăng khoảng 50%, còn giá thép cây tăng 44%. Tương tự, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giữa tháng 5/2021 đạt 1.338 nhân dân tệ/tấn, tăng khoảng 30% so với đầu năm.

Tại thị trường trong nước, giá các sản phẩm tôn, thép cũng liên tục gia tăng theo giá thế giới, giúp các doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi từ tồn kho giá thấp, trong đó có CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Tháng 4/2021, Hoa Sen ước đạt doanh thu 4.550 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 538 tỷ đồng, tăng 498% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 7 tháng niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ ngày 1/10/2020 đến 30/4/2021), doanh thu của Công ty ước đạt 24.496 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.208 tỷ đồng, tăng 368% so với cùng kỳ, hoàn thành 147% kế hoạch.

Bên cạnh giá bán bình quân tăng, động lực giúp doanh thu của HSG bứt phá là sản lượng tiêu thụ cũng tăng trưởng tích cực tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo Báo cáo tháng 5/2021 cập nhật của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), sản lượng tiêu thụ của HSG đã tăng 54,2% so với cùng kỳ trong nửa đầu niên độ 2020 - 2021, với tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 1,1 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa 520.700 tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tăng gấp đôi, lên 576.000 tấn.

Lợi nhuận gộp/tấn sản phẩm tăng lên mức 3,3 triệu đồng/tấn, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Khả năng tăng giá bán trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tốt đã giúp HSG chuyển tăng giá nguyên vật liệu đầu vào sang giá bán, đồng thời hưởng lợi từ tồn kho giá thấp, làm tăng lợi nhuận.

Theo đánh giá của BSC, chính phủ các nước đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy hồi phục kinh tế và quá trình khôi phục sản xuất tại nhiều nước sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh đã giúp nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao trên phạm vi toàn cầu.

Tuy vậy, tình hình kinh doanh của HSG nói riêng và nhiều doanh nghiệp ngành thép khác có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, khi giá thép có xu hướng đảo chiều.

Rủi ro giá thép đảo chiều

Từ giữa tháng 5/2021 đến đầu tháng 6, giá các loại thép trên thị trường thế giới đã ghi nhận xu hướng hạ nhiệt, như giá thép cây tại Thượng Hải giảm khoảng 12%, giá thép cuộn cán nóng giảm khoảng 18%, giá quặng sắt giảm khoảng 13%.

Tại thị trường trong nước, trong những ngày đầu tháng 6, nhiều thương hiệu thép nội địa như thép Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Thái Nguyên… đã có thông báo giảm mạnh giá các sản phẩm, với mức giảm 500 - 800 đồng/kg.

Biến động của giá thép trên thị trường thế giới từ giữa tháng 5/2021 chưa đủ để kết luận về xu hướng giá thép đã thực sự đảo chiều. Tuy vậy, sau giai đoạn tăng nóng, các phân tích gần đây ngày càng nghiêng về khả năng giá thép đi vào ổn định, thay vì tăng nóng như trước.

Trong báo cáo ngành thép tháng 5/2021, Bộ phận Phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS) nêu quan điểm: cũng giống như dữ liệu thống kê về các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, giá thép sẽ có khả năng đi vào ổn định, chứ không còn tăng nóng trong nửa cuối năm nay.

Báo cáo của SBS cũng dẫn đánh giá của Fitch cho rằng, trong dài hạn, giá thép toàn cầu sẽ giảm so với mức hiện tại, khi nhu cầu bước vào giai đoạn bình ổn.

Đà tăng của giá thép chững lại sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp ngành thép nói chung và Hoa Sen nói riêng khó duy trì được mức cao nhờ tồn kho giá thấp, trong khi giá bán đầu ra tăng theo giá thế giới như thời gian qua. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro lớn nếu xu hướng giảm giá kéo dài.

Tính đến ngày 31/3/2021, giá trị hàng tồn kho của Hoa Sen trên báo cáo tài chính hợp nhất là 9.002 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng so với đầu niên độ, tương đương mức tăng gần 63% so với đầu năm và giữ vị trí lớn nhất trong cơ cấu tài sản, với tỷ trọng 41%.

Trong quá khứ, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã nhiều lần bị ảnh hưởng khi giá thép sụt giảm khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh do phải giảm giá bán, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Đơn cử, trong giai đoạn 2018 - 2019, lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm mạnh so với giai đoạn 2017 – 2018, khi giá thép trên thị trường suy giảm.

Tin liên quan
Tin khác