Thời sự
Hoàn tất mọi công việc cần thiết chuẩn bị kỳ họp thứ Tư của Quốc hội
Nguyễn Lê - 12/10/2022 20:22
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 16, hoàn tất việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ Tư của Quốc hội, khai mạc ngày 20/10 tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiênh họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

"Cho đến nay có thể khẳng định là mọi công việc cần thiết chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc dự kiến vào ngày 20/10", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu kết thúc phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/10.

Phiên họp này, cho đến ngày cuối cùng vẫn phải điều chỉnh chương trình, bởi có những nội dung tài liệu chưa kịp chuẩn bị.

Những nội dung khác, đa số tài liệu cũng đều được chuẩn bị gấp gáp, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đã xem xét với tinh thần trách nhiệm cao.

Cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó có phương án về điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, người có công với cách mạng, cán bộ nghỉ hưu... kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Nhóm vấn đề thứ hai được đặt lên bàn nghị sự là các báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư.

Nhóm vấn đề thứ ba là các báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Nghị quyết 54/QH14/2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của giai đoạn 2021-2030.

Được đặt lên bàn nghị sự ở phiên họp này còn có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Công tác nhân sự trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022; cho ý kiến về bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam.

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn tham gia cho ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và 3 báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại kỳ họp thứ tư.

Gồm, thứ nhất là tình hình thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Thứ hai là báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2021.

Thứ ba là tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021.

Trước đó, từ sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lần lượt xem xét lần đầu và cho ý kiến việc chỉnh lý 14 dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung của kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng và đến nay cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định.

Lưu ý chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là thời gian các cơ quan phải gấp rút hoàn thiện để gửi hồ sơ, tài liệu, các nội dung trình Quốc hội. Vì vậy các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tập trung cao độ, thật sự khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, với sự đồng thuận cao để kỳ họp thứ tư tiếp tục thành công như các kỳ họp trước đây.

Liên quan đến tiến độ chuẩn bị một số vấn đề đã có dự kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có 3 nội dung rất quan trọng nhưng lần này chuẩn bị chưa đảm bảo chặt chẽ và chất lượng để trình Quốc hội, ông đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cố gắng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào kỳ họp bất thường vào cuối năm 2022.

Thứ nhất là tổng kết những nội dung liên quan tới Nghị quyết 30. Thứ hai là xử lý những vướng mắc, bất cập đối với trong một số dự án BOT và đặc biệt là vị trí đặt trạm. Thứ ba là quy hoạch tổng thể quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cuối tuần này,  Đảng đoàn Quốc hội sẽ họp với Ban Cán sự đảng Chính phủ mở rộng, sẽ bàn một số nội dung đang còn tồn đọng, dự kiến sẽ trình vào kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia, vấn đề liên quan đến Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM, vấn đề về sân bay Long Thành, xử lý các vướng mắc của một số dự án  BOT, các vấn đề liên quan đến tổng kết Nghị quyết 30 và đề xuất một số cơ chế, chính sách về ngành y tế trong thời gian tới trước khi sửa đổi Luật Dược, và một số luật khác.

Tin liên quan
Tin khác