Thời sự
Hoàn thành chuyển giao trọng trách Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ
An Nguyên - 05/04/2021 07:00
Dấu ấn Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cho đến trước khi được Quốc hội miễn nhiệm đều nổi bật trong báo cáo công tác nhiệm kỳ cũng như các phiên thảo luận tại Quốc hội.
Các vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước (Ảnh Quochoi.vn).

Hôm nay (5/4), cả tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ đều tuyên thệ nhậm chức, hoàn thành việc chuyển giao trọng trách người đứng đầu nhà nước và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.  

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV đã bước sang tuần làm việc cuối cùng, tiếp tục tập trung cho công tác kiện toàn nhân sự cấp cao.

Cuối tuần trước, cả Chủ tịch nước và Thủ tướng đều đã được Quốc hội đồng ý miễn nhiệm và nhân sự bầu Chủ tịch nước mới cũng đã được giới thiệu.

Nếu được Quốc hội tín nhiệm bầu làm người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, thì sáng nay sẽ lần thứ ba ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội, hai lần nhậm chức Thủ tướng và một lần nhậm chức Chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi, là một trong 2 trường hợp đặc biệt đối với Ủy viên Bộ Chính trị tái cử tại Đại hội XIII của Đảng. Ông cũng là đương kim Thủ tướng đầu tiên được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.

Như vậy, dù là chuyển giao trọng trách, song Chủ tịch nước tiền nhiệm vẫn đang giữ trọng trách Tổng Bí thư, còn ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chuyển sang cương vị mới.

Dấu ấn Chủ tịch nước và Thủ tướng cho đến trước khi được Quốc hội miễn nhiệm đều nổi bật trong báo cáo công tác nhiệm kỳ cũng như các phiên thảo luận  tại Quốc hội.

Ngày 1/4, trong tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh: hầu hết ý kiến đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ hoạt động rất hiệu quả của Chủ tịch nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc cả vai trò người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước; là biểu tượng của niềm tin và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc; có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ; là nhân tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân và toàn xã hội để cả nước đồng lòng vượt qua khó khăn.

Với Thủ tướng, trong nhiệm kỳ ông đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN , đứng thứ 37 thế giới.

Theo đánh giá của đại biểu, trong 5 năm qua, sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là trước những bước ngoặt, những tình huống khó khăn, thử thách đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước đã tạo sự ổn định để phát triển, nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân.

Sau khi đắc cử chức vụ mới, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình nhân sự để Quốc hội bầu người kế nhiệm ông ở nhiệm kỳ này.

Dù nhân sự Thủ tướng mới chưa chính thức được trình ra Quốc hội, song khi thảo luận tại tổ, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, một số vị đại biểu đã chúc mừng và gửi gắm kỳ vọng vào người sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

Không chỉ kiện toàn các chức danh  lãnh đạo cao nhất của Nhà nước mà tuần này, Quốc hội còn lần lượt miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng khác: Phó chủ tịch nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước, một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều thành viên Chính phủ...

Chiều 8/4, sau khi hoàn tất việc kiện toàn nhân sự, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).

Tin liên quan
Tin khác