Ngân hàng - Bảo hiểm
Hoàn thiện quy định quản lý ngoại hối
Thùy Linh - 28/03/2016 14:29
Ngày 31/12/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 15/2/2016. Đây là văn bản luật được mong chờ từ lâu, hoàn thiện hệ thống quy định về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch tài khoản vốn và tài chính.

Theo Nghị định 135, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài (khi nhà đầu tư đang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài đó tại Việt Nam).

Trong khi đó, hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế được thực hiện theo hai phương thức: tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Việc đầu tư được thực hiện theo các hình thức trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài và đầu tư thông qua việc mua, bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.

Các tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm: (1) công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; (2) quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ (sau đây gọi là quỹ đầu tư chứng khoán), công ty đầu tư chứng khoán; (3) doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; (4) ngân hàng thương mại; (5) công ty tài chính tổng hợp; (6) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Trong số này, ngoại trừ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, các tổ chức còn lại phải đáp ứng một số điều kiện để được tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài như có lãi trong 5 năm liên tục liền trước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế đối với ngân sách nhà nước, có quy trình nội bộ...

Tổ chức kinh tế khác chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác đầu tư cho công ty quản lý quỹ và ngân hàng thương mại. Đồng thời, tổ chức kinh tế phải đáp ứng một số điều kiện như có lãi trong 5 năm liên tục liền trước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế đối với ngân sách nhà nước, có tài liệu chứng minh về nguồn ngoại tệ trên tài khoản để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là ngoại tệ tự có... Trong khi đó, tổ chức nhận ủy thác cũng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thực hiện hoạt động này và không được ủy thác lại cho bên thứ ba ở trong nước.

Đáng lưu ý, lượng vốn tự doanh và ủy thác đầu tư ra nước ngoài của các tổ chức quy định nêu trên hàng năm sẽ được NHNN phê duyệt trước. Hàng năm, chậm nhất ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dựa trên đề xuất của NHNN căn cứ vào các yếu tố vĩ mô. Đồng thời, hàng năm, chậm nhất ngày 15/5, NHNN sẽ thực hiện xác nhận đăng ký hạn mức tự doanh cho tổ chức tự doanh và hạn mức nhận ủy thác cho tổ chức nhận ủy thác dựa trên tổng hạn mức đầu tư gián tiếp của năm đó, quy mô vốn của tổ chức đầu tư, các tỷ lệ an toàn hoạt động...

Về nguồn vốn, Điều 10, Nghị định 135/2015/NĐ-CP cũng quy định: “Tổ chức tự doanh (trừ ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp) được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản và ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam theo hạn mức tự doanh được NHNN xác nhận đăng ký để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Tổ chức ủy thác (trừ ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp) chỉ được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác cho tổ chức nhận ủy thác. Ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp tự cân đối nguồn ngoại tệ để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định về trạng thái ngoại tệ, các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để mua ngoại tệ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ trong nước và nước ngoài để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”.

Chúng tôi cho rằng, dù còn nhiều quy định hạn chế phạm vi và quy mô đầu tư gián tiếp của cá nhân và tổ chức kinh tế, việc ban hành Nghị định 13 là tích cực vì tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức kinh tế đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo kênh chính thức, do đó có thể hạn chế các kênh đầu tư không chính thức, vốn được sử dụng rộng rãi. Điều này làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước về ngoại hối, đồng thời giảm rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác