Ngân hàng - Bảo hiểm
Chính sách ngoại hối: Tiếp tục dò đá qua sông
Hà Tâm - 29/12/2015 10:45
Đồng ý chia sẻ quan điểm với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thành viên Nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, NHNN gần đây đã đi từng bước rất chắc chắn trong lộ trình "dò đá sang sông".
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Sau khi bàn bạc với lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lớn, hôm qua (28/12), NHNN tiếp tục họp kín với các chuyên gia trong và ngoài nước để bàn về chính sách tỷ giá mới, dự kiến áp dụng ngay trong năm 2016. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, cơ chế tỷ giá mới sẽ linh hoạt hơn, tỷ giá trung tâm có thể sẽ biến động theo ngày. Đồng thời, NHNN cũng có thể thực hiện chính sách lãi suất âm đối với huy động USD (gửi tiền bằng USD có thể mất phí). 

Không bàn trực tiếp về cơ chế điều hành tỷ giá mới, song TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, về thực chất, NHNN đang thay đổi cách ứng xử với đồng ngoại tệ.

"Chính sách tỷ giá và chính sách ngoại hối khá phức tạp và người ta hay bị lẫn hai việc này. Vì vậy, đôi khi NHNN bị đổ lỗi sai", TS. Thành nhận xét. 

Cụ thể, theo chuyên gia này, chính sách ngoại hối liên quan đến việc Nhà nước ứng xử như thế nào với đồng ngoại tệ trong lãnh thổ Việt Nam. Cách thứ nhất là coi đồng ngoại tệ như một loại tiền hoặc gần như tiền (quasi-money), có thể lưu thông trong nền kinh tế. Cách thứ hai là coi ngoại tệ như một loại tài sản, tức là lưu giữ tài sản và mua bán như tài sản mà thôi, không có chức năng giao dịch và tín dụng.  

Hiện nay, NHNN đang dịch chuyển cách ứng xử với USD từ cách thứ nhất sang cách thứ hai, tức từ chỗ coi đây là một loại tiền được lưu thông và giao dịch trên thị trường sang một loại tài sản, tức là tách ngoại tệ khỏi chức năng tiền tệ và tín dụng. Đây là một cách làm đúng đắn mà NHNN đã làm giống như với vàng thời gian trước đây.

Còn chính sách tỷ giá lại liên quan đến việc xác lập cơ chế giá của đồng ngoại tệ trong tương quan với giá đồng nội tệ (tiền đồng), qua đó xác định mức giá là bao nhiêu, có hợp lý không.

“Với chính sách tỷ giá, tôi cho rằng, tỷ giá hiện nay chưa có cơ chế mang tính thị trường hoặc gần với thị trường, bị xác định một cách nhân tạo. Quan điểm của tôi là mức giá này đang bị định giá thấp, tức là VND mạnh tương đối so với USD. Và đây là một sai lầm”.

Theo quan điểm của chuyên gia này, sai lầm của chính sách tỷ giá hiện nay không hẳn là lỗi của NHNN, bởi NHNN chưa trở thành một Ngân hàng Trung ương thực thụ, chính sách tỷ giá vì vậy bị tác động bởi nhiều yếu tố. 

Mặc dù vậy, theo TS. Nguyễn Đức Thành, chính sách ngoại hối và chính sách tỷ giá có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu NHNN thành công trong việc chuyển đổi cách thức ứng xử với đồng ngoại tệ, tức chức năng tiền tệ và tín dụng ra khỏi ngoại tệ, biến ngoại tệ thành một loại tài sản thì sẽ mở đường cho những cải cách trong chính sách tỷ giá. Tuy nhiên, để làm được điều này, về lâu dài, vị trí và chức năng của NHNN phải theo hướng độc lập hơn.

TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: "Chính sách ngoại hối và chính sách tiền tệ ở Việt Nam rất nhạy cảm, không phải tất cả các nhà lãnh đạo cũng như người dân và doanh nghiệp đều đồng tình ngay với các chính sách mới. NHNN gần đây đã đi từng bước chắc chắn, như lội qua một con sông có nước chảy xiết. Và chính sách này giống như đặt thêm một bước nữa lên tảng đá tiếp theo trên lòng sông. Tôi ủng hộ bước tiến này và mong muốn chúng ta sớm sang được bên kia sông."

Tin liên quan
Tin khác