Lãi suất ngấm đòn tỷ giá
Tuần qua, lãi suất huy động VND trên thị trường tiếp tục tăng lên. Theo đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm trong nửa tháng 12 tăng 0,91 - 1,3% ở các kỳ hạn, chứng tỏ thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng hơn trước.
Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng được các ngân hàng liên tiếp đẩy lên. Cụ thể, tuần qua, Sacombank thông báo tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2 - 0,3%/năm so với biểu lãi suất hiện tại, áp dụng từ ngày 23/12, đồng thời tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm với kỳ hạn 3 tháng. Trước đó, hàng loạt ngân hàng khác, như VPBank, TPBank, Saigonbank… cũng đã ồ ạt tăng lãi suất huy động.
NHNN đang chịu nhiều áp lực về lãi suất |
Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, việc tăng lãi suất chỉ nhằm cơ cấu lại kỳ hạn vốn, biểu hiện là lãi suất chỉ tăng ở một số kỳ hạn nhất định. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, lãi suất VND đang “ngấm” dần những tác động của tỷ giá và tăng trưởng tín dụng.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến nay, huy động vốn chỉ tăng 13,6%, trong khi tín dụng tăng hơn 17%, dự kiến cả năm tăng 18%. Dù thanh khoản ngân hàng vẫn đảm bảo, song tín dụng tăng trưởng tốt, cho vay lại đang “vào mùa”, nên việc tăng lãi suất là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, áp lực với tỷ giá cùng việc hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0% cũng khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên.
Trả lời báo chí, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, NHNN đang chịu nhiều áp lực về lãi suất.
Thứ nhất là gánh nặng trái phiếu chính phủ. Yêu cầu phát hành trái phiếu chính phủ năm 2016 là rất lớn, trong khi hệ thống ngân hàng lại là lực lượng chính nắm giữ trái phiếu chính phủ. Điều này gây sức ép với lãi suất, bởi muốn phát hành thành công thì lãi suất trái phiếu chính phủ phải duy trì ở mức cao, gây tác động với lãi suất chung trên thị trường.
Thứ hai, lạm phát năm 2016 có nguy cơ tăng trở lại bởi nhiều yếu tố. Ngoài ra, thị trường thế giới biến động rất khó lường, nhất là đồng USD và nhân dân tệ, nên sẽ gây khó khăn cho thị trường ngoại tệ, từ đó tác động đến lãi suất.
Mặc dù vậy, Phó thống đốc cũng cho rằng, so với mặt bằng lãi suất cuối năm 2011, thì lãi suất cho vay hiện đã giảm một nửa. Hơn nữa, lãi suất chỉ là một trong nhiều yếu tố đầu vào, vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần chú trọng cả nhiều yếu tố khác.
Chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt hơn
Tỷ giá và lãi suất chỉ là hai trong nhiều khó khăn lớn của NHNN trong thời gian tới. Đánh giá tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra cuối tuần qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, nhiệm kỳ 2011 - 2015, ngành ngân hàng đã đóng góp đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, dù đầu nhiệm kỳ các biến động về tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng là rất lớn, thậm chí còn có cả nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống.
Theo Phó thủ tướng, dù giai đoạn trước mắt còn nhiều khó khăn, song nếu nhìn cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 thì sẽ có nhiều thuận lợi, bởi được kế thừa từ giai đoạn trước, trong đó có kinh nghiệm điều hành.
“Năm 2016 so với năm 2015, tôi thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ và vĩ mô sẽ khó hơn vì nhiều áp lực. Chẳng hạn, nếu giá dầu có biến động tăng thì cũng tác động tới điều hành chính sách tiền tệ”, Phó thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhắc nhở NHNN thời gian tới điều hành tỷ giá cần tiếp tục bám sát thị trường, nhanh nhạy, kịp thời. Đồng thời, dần điều hành chính sách tiền tệ theo thị trường, hạn chế điều hành theo mệnh lệnh hành chính.
Trao đổi với báo chí, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang hoàn thiện cách điều hành tỷ giá mới. Theo đó, sẽ tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, giảm kỳ vọng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các công cụ quản lý khác.
Được biết, trong năm 2016, định hướng chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao giá trị VND, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%).
Mục tiêu NHNN đặt ra trong năm tới là tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng 18 - 20% so với cuối năm 2015 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.