Đầu tư
Hoàn trả tiền cho 7 dự án BOT giao thông: Giải tỏa áp lực tới hạn
Bảo Như - 05/11/2021 08:18
Cần phải xử lý gấp 7 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, nhưng chưa thể đưa vào thu phí hoặc quá trình thu phí bị gián đoạn do không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Những món nợ đồng lần

Vào giữa tháng 10/2021, Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa gửi Thủ tướng Chính phủ văn bản liên quan đến Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa theo hình thức BOT. Nội dung công văn kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm xử lý dứt điểm 2 vướng mắc kéo dài tại dự án này.

Vướng mắc đầu tiên liên quan đến việc xác định thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa (tuyến tránh phía Đông), được khởi công từ năm 2005 và hoàn thành năm 2009.

Theo hợp đồng ký giữa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa năm 2007, thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư được xác định là 3 năm sau khi kết thúc việc thu phí hoàn vốn. Khi Dự án mới thu phí tạo lợi nhuận được khoảng 1 năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đột ngột yêu cầu Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa tạm dừng thu phí tại Trạm thu phí Km286+397, Quốc lộ 1 từ 0 giờ ngày 10/8/2017 để đàm phán và xử lý theo quy định. Lý do được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra là nhà đầu tư đã đạt đủ số tiền lợi nhuận, dù mới thu được 1/3 thời gian.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa cho rằng, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đơn phương tạm dừng thu phí và đưa ra các phương án để đàm phán, điều chỉnh mức lợi nhuận với nhà đầu tư là không tuân thủ đúng quy định hợp đồng đã ký.

Trong khi vướng mắc liên quan đến thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho tuyến tránh phía Đông chưa có lối thoát, thì hiện tại, cả nhà đầu tư và Bộ GTVT đang bế tắc khi xác định phương án hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa (được bổ sung năm 2016, hoàn thành vào tháng 12/2018).

Trước đó, tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 8270/UBND-CN ngày 9/9/2014 đề nghị Bộ GTVT bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6 (tuyến tránh phía Tây) vào Dự án và cùng sử dụng trạm thu phí Km286+397 Quốc lộ 1 (trạm Bỉm Sơn) để hoàn vốn.

Được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư bổ sung tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa với kinh phí đầu tư 1.014 tỷ đồng. Tuy nhiên, do trạm thu phí Bỉm Sơn đã dừng thu phí từ tháng 8/2017, lại nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Tây, nên việc tiếp tục thu phí tại trạm Bỉm Sơn là không khả thi, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Thực hiện kết luận của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 26/6/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư và các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa khẩn trương nghiên cứu, lựa chọn vị trí phù hợp để di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa nhằm thu phí hoàn vốn.

Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, việc thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể hoàn được vốn do hiện tại đã có tuyến tránh phía Đông (với quy mô 4 làn xe) và Quốc lộ 1 qua TP. Thanh Hóa. Đây là nguyên nhân bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GTVT và nhà đầu tư.

Điều đáng nói là, trong 3 năm qua, dù không được thu phí, Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa vẫn phải chi tới hàng chục tỷ đồng để chi lương nuôi bộ máy và bảo trì công trình. Đặc biệt, tuyến tránh phía Đông đã quá thời kỳ trung tu hơn 3 năm, nhưng không có vốn để sửa chữa (theo hợp đồng, chi phí duy tu lấy từ doanh thu thu phí) đã dẫn đến nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn giao thông.

“Nhà đầu tư đang rất khó khăn khi các khoản vay đã bị chuyển sang nhóm nợ xấu, gây lãng phí vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư. Ngoài việc sớm xử lý dứt điểm tồn tại của Dự án tuyến tránh phía Đông, chúng tôi đề nghị sớm có phương án hoàn vốn để nhà đầu tư nhận được nguồn thu, trả nợ ngân hàng”, văn bản của Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa nêu rõ.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ, Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa có thể coi là điển hình của việc vi phạm quy định trong hợp đồng BOT giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

“Nếu không thực hiện được các cam kết trong hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Đây là điều thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể và giữ chữ tín trong hoạt động kinh doanh”, ông Chủng cho biết.

Làm tròn trách nhiệm hợp đồng

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa chỉ là một trong số 7 dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ vừa được Bộ GTVT đề xuất sử dụng 9.427 tỷ đồng từ Chương trình Phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.

Ngoài dự án trên, danh sách 6 dự án BOT còn lại được Bộ GTVT đề xuất hoàn trả chi phí gồm: Dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; Dự án BOT xây dựng mới Quốc lộ 26 qua Ninh Hòa và nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 26 qua Khánh Hòa, Đắk Lắk; Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B tại Cần Thơ; Dự án BOT cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 - km 1.736; Dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 (không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan như phương án tài chính).

Trong Công văn số 11205/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình Phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, Bộ GTVT đã giải thích khá chi tiết về gói kinh phí mua lại 7 dự án BOT nói trên.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, các hợp đồng BOT đã xác định doanh nghiệp BOT được quyền thu phí trực tiếp từ người tham gia giao thông tại vị trí trạm của dự án để hoàn vốn; cơ quan nhà nước mà đại diện là Bộ GTVT ký kết hợp đồng để triển khai dự án BOT có trách nhiệm đảm bảo quyền thu phí này.

Hiện các dự án nói trên đã hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng chưa thể tổ chức thu phí hoặc đang thu phí, nhưng thường xuyên xảy ra mất an ninh trật tự mà chưa có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo quyền thu phí cho doanh nghiệp BOT hoặc các dự án Nhà nước thay đổi vị trí trạm, hình thành tuyến đường song hành không thu phí..., dẫn đến nguồn thu của dự án bị ảnh hưởng rất lớn, không có điểm hòa vốn.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, những bất cập, vướng mắc tại các dự án BOT nói trên đã gây ra các hệ lụy xấu: doanh nghiệp BOT không có nguồn để trả nợ ngân hàng; không có kinh phí để thực hiện bảo trì..., dẫn đến phát sinh nợ xấu, phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống tín dụng và không khơi thông được nguồn vốn để triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.

“Do vậy, cơ quan nhà nước cần thiết phải có giải pháp xử lý dứt điểm vướng mắc trên nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật và bảo đảm các bên thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo hợp đồng”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Được biết, việc xử lý các vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trong đó nổi cộm là 7 dự án từng đã được Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều phiên họp và chỉ đạo các giải pháp nhằm xử lý triệt để bất cập. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp các địa phương, các bộ, ngành để xử lý, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.

Do vậy, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, Thường trực Chính phủ đã họp ngày 25/11/2020 và Thủ tướng Chính phủ đã kết luận (Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 2/12/2020), trong đó nhấn mạnh: “Về đề nghị bố trí một phần ngân sách của Bộ GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xử lý đối với các dự án BOT bị ảnh hưởng bởi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, dự án (trạm thu phí) có yêu cầu cấp thiết về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội: Bộ GTVT chủ trì, cùng với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an... rà soát, đánh giá kỹ từng dự án, đề xuất phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến đầu tháng 7/2021, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn tất việc rà soát toàn bộ các dự án BOT/trạm thu phí để đề xuất, kiến nghị phương án xử lý và tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành.

Quan điểm của Bộ GTVT là cần áp dụng giải pháp không thu tiền trực tiếp từ người dân, xóa bỏ trạm thu phí và Nhà nước bố trí vốn hoàn trả cho doanh nghiệp BOT đối với 7 dự án BOT/trạm thu phí. Trong trường hợp không đưa được vào kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể cân nhắc sử dụng nguồn từ Chương trình Phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 và hoàn trả sớm, có thể thực hiện ngay trong năm 2021/2022.

Hiện áp lực xử lý 7 dự án BOT là rất lớn, bởi kinh phí sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian do các doanh nghiệp BOT tiếp tục phải chi trả lãi tiền vay.

“Sau khi được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp chỉ đạo doanh nghiệp BOT mời kiểm toán xác định chi phí đầu tư dự án như đã quy định trong hợp đồng BOT và tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Tin liên quan
Tin khác