Thời sự
Hoang vắng các khu kinh tế cửa khẩu miền Trung
Việt Hương - 18/09/2019 09:48
Được xác định là động lực tăng trưởng của nhiều địa phương và cả khu vực, được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và từng có giai đoạn phát triển thịnh vượng, nhưng đến nay, các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu miền Trung rơi vào cảnh đìu hiu, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng cửa, rút lui…
Dở dang công trình ngàn tỷ, chủ đầu tư bỏ mặc để tìm hướng đi khác. Trong ảnh: Khu kinh tế Cầu Treo (Hà Tĩnh). Ảnh: V.H

Cảnh “chợ chiều” của các KKT cửa khẩu miền Trung

Là điểm nhấn quan trọng tại những vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây kéo qua 4 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar, nhưng các KKT cửa khẩu của khu vực miền Trung như Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Bờ Y (Kon Tum)… một thời tấp nập kẻ bán, người mua, nay lâm vào cảnh “chợ chiều”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho biết, một trong những kỷ lục mà Quảng Trị làm được là biến Lao Bảo thành KKT cửa khẩu có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và sầm uất nhất miền Trung, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.663 tỷ đồng (trong đó, chỉ có 863 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước) tại thời điểm khó khăn về kinh tế (2005 - 2010). “Nhưng giờ nhìn lại nơi đây, rất đắng lòng…”, ông Bình ngậm ngùi.

Được thành lập năm 1998 với tên gọi Khu vực Khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Lao Bảo, đến năm 2005, khu này được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù và trở thành một KKT - thương mại đặc biệt. Những năm 2008 - 2010 là giai đoạn “đỉnh cao” của KKT Lao Bảo: 67 dự án đầu tư, trong đó, có 46 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; trên 550 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể.

Nhưng nay, sự sầm uất ngày nào đã biến mất, thay vào đó là cảnh đìu hiu đến hoang tàn; khu thương mại vắng hoe, tiểu thương ngậm ngùi đóng cửa…

KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y cách đây gần 20 năm cũng được cơ chế đặc cách với nhiều ưu đãi, được xác định là cửa ngõ giao thương quan trọng của Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong… Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách trung ương rót vào hạ tầng, chính quyền kêu gọi đầu tư, nhưng sau 19 năm xây dựng, đến nay, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung tại đây mới có hơn 300 doanh nghiệp đăng ký, với vài chục doanh nghiệp nhỏ hoạt động… Trong giai đoạn 2016 - 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt 564,2 triệu USD.

Với KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trong giai đoạn 2008 - 2014, ai đã từng đặt chân đến Hà Tĩnh đều cảm nhận được hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại KKT cửa khẩu này diễn ra sôi động, sầm uất, nhiều doanh nghiệp đầu tư “ăn nên làm ra”. Nhưng nay, nhiều doanh nghiệp đã “bỏ của chạy lấy người”, số còn lại đang đứng bên bờ vực phá sản.

Đơn cử, năm 2012, sau khi được cấp 1 ha đất có vị trí đắc địa tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Công ty CK đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng Dự án Cổng kiểm soát nội địa (cổng B) và Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp. Nhưng sau hơn 1 năm thi công, khu thương mại này nằm im lìm và bỏ hoang từ đó đến nay…

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Hà Tĩnh, thu ngân sách tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo giảm mạnh theo từng năm. Năm 2014, thu ngân sách của KKT này đạt 225 tỷ đồng, năm 2015 đạt 186 tỷ đồng, năm 2016 giảm còn 111 tỷ đồng, năm 2017 tụt xuống 45 tỷ đồng và năm 2018 chỉ còn dưới 40 tỷ đồng.

Rào cản từ chính sách

Từ năm 2007, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các KKT cửa khẩu, như Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y… được công nhận là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT. Nhờ đó, đã thu hút được hàng ngàn doanh nghiệp và hộ cá thể đầu tư sản xuất, kinh doanh.

“Để củng cố động lực tăng trưởng cho địa phương, không thể tách rời việc phát triển trở lại các KKT cửa khẩu, biến đổi công năng các khu này dựa trên nền tảng đã có như hạ tầng, quy hoạch đồng bộ. Tuy nhiên, để vực dậy KKT cửa khẩu hiện nay, điều cần thay đổi là cơ chế quản lý của địa phương, chứ không phải chính sách. Thực tế cho thấy, tại KKT cửa khẩu Cha Lo, khi có cơ chế quản lý tốt, kim ngạch xuất nhập khẩu tại đây đã vượt xa KKT Lao Bảo và Cầu Treo, dù hạ tầng tại Cha Lo kém hơn nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị.

Đến năm 2014, theo Thông tư số 109/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Đầu tháng 9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực, KKT cửa khẩu không còn được xem là khu phi thuế quan và không còn được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018) về việc bãi bỏ Quyết định 72/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu.

Chính sách liên tục thay đổi và đến nay gần như không còn ưu đãi gì đáng kể dành cho KKT cửa khẩu, khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không muốn đầu tư dài hạn tại đây, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển hình thức, địa điểm kinh doanh; hàng loạt dự án đang triển khai bị “đắp chiếu”.

“Khi đổ vốn vào đây, chúng tôi tin tưởng có cơ hội lớn, nhưng chính sách thay đổi, nên đang loay hoay tìm lối đi mới”, anh Nguyễn An B., chủ một cơ sở chế biến nông sản tại KKT Cửa khẩu Lao Bảo chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã tạo rào cản lớn, gây khó khăn cho sự phát triển của KKT cửa khẩu Lao Bảo. Không chỉ lĩnh vực thương mại, mà hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử, nếu kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2010 - 2013 tại Cửa khẩu Lao Bảo chiếm 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của 10 tỉnh biên giới Việt - Lào, với khoảng 450 triệu USD vào năm 2013, thì năm 2018 chỉ đạt chưa tới 280 triệu USD.

Trong khi đó, tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, hiện còn 26 dự án đầu tư trong nước có hiệu lực với tổng vốn đầu tư 2.082 tỷ đồng. Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận: “Sự đổ bể tại KKT cửa khẩu là có thật, nhưng để vực dậy được, không thể tính ngày một ngày hai”.

Nỗ lực vực dậy các KKT

Nhìn nhận một cách khách quan, sự đổ vỡ của các KKT cửa khẩu không chỉ do thay đổi chính sách, mà còn do cơ chế quản lý tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính xác nhận, Quảng Trị đã thực hiện những biện pháp nhằm vực dậy KKT cửa khẩu Lao Bảo và bước đầu có kết quả tích cực. Đó chính là những cuộc đàm phán với tỉnh Savannakhet (Lào) bàn chiến lược hợp tác, tháo gỡ vướng mắc của hai bên để thông thương tại cửa khẩu…

“Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng lên phương án cho các dự án đã đầu tư, đi vào hoạt động phát huy hiệu quả. Các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm, kéo dài; các dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh, nhưng chưa đưa vào hoạt động... sẽ được UBND tỉnh xem xét chuyển hướng đầu tư, chuyển nhượng dự án, hoặc thu hồi…”, ông Chính nhấn mạnh.

Tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), thủ tục thông quan đang được cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông Phạm Hữu Lợi, Phó trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Bình, kiêm phụ trách Cửa khẩu Cha Lo cho biết, tháng 7/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định đẩy mạnh phát triển KKT Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo gắn với Quốc lộ 12A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, KKT cửa khẩu Cha Lo tiếp tục nằm trong danh sách các KKT cửa khẩu được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. “Những đổi thay này sẽ giúp KKT cửa khẩu vượt qua khó khăn để tiếp tục tạo nguồn thu, tăng động lực phát triển tỉnh nhà”, ông Lợi tin tưởng.

Hướng đi mới cho KKT cửa khẩu Cầu Treo cũng đã được tỉnh Hà Tĩnh đề xuất lên Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cửa khẩu Cầu Treo có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh Bắc Trung bộ và là cửa ngõ ngắn nhất để Lào và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng hướng ra biển Đông qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

“Nếu áp dụng chính sách chung như hiện nay, việc thu hút đầu tư, phát triển KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sẽ gặp nhiều khó khăn, nên cần có một cơ chế đặc thù. Hà Tĩnh đang cân nhắc định hướng KKT này trở thành trung tâm logistics lớn, trung chuyển hàng hóa ở nội địa và từ Lào về. Tỉnh đã khảo sát và nhận thấy, việc phát triển logistics tại đây là khả quan, nhưng để triển khai thành công, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ”, ông Dương Tất Thắng nói.

Giải pháp đầu tiên mà Hà Tĩnh triển khai vừa được Chính phủ chấp thuận là điều chỉnh lại quy mô KKT Cầu Treo theo hướng nhỏ gọn, hiệu quả hơn. Theo đó, các diện tích lớn không phù hợp với sản xuất, kinh doanh, thì trả lại cho địa phương để bố trí quy hoạch dân cư hoặc phát triển theo hướng khác. Đồng thời, tạo cơ chế mới để doanh nghiệp thuê kho bãi trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam, Trung Quốc qua Lào, Thái Lan; biến KKT cửa khẩu thành điểm gia công, đóng gói xuất khẩu.

Tin liên quan
Tin khác