Mộc Châu Milk vừa được chấp thuận niêm yết sàn HoSE. Ảnh: Dũng Minh |
Bắt đầu có doanh nghiệp tiếng tăm niêm yết HoSE
Sau cú sốc lao dốc cuối năm 2021 và năm 2022, thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục trong năm 2023 và tiếp tục đà tăng trong gần nửa đầu năm 2024, với kỳ vọng dòng vốn ngoại sớm quay lại thị trường khi Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường, doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh khả quan từ nền thấp năm 2023.
Trong bối cảnh đó, không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch niêm yết mới hoặc chuyển sàn sang HoSE để chuẩn bị đón dòng vốn ngoại khi kinh tế toàn cầu bước vào chu kỳ mở rộng tiếp theo.
Ghi nhận trên sàn HoSE, từ đầu năm tới nay, đã có 4 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết. Theo đó, Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (mã DSC) nộp hồ sơ niêm yết 204,8 triệu cổ phiếu ngày 1/3. Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE nộp hồ sơ niêm yết 330 triệu cổ phiếu ngày 7/3. Công ty cổ phần Điện lực Gelex (Gelex Electric, mã GEE) nộp hồ sơ niêm yết 300 triệu cổ phiếu ngày 24/4. Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (mã RYG) nộp hồ sơ niêm yết 45 triệu cổ phiếu ngày 21/5.
Thêm nữa, ngày 24/5, cổ phiếu MCM của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) được chấp thuận chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE và sẽ giao dịch phiên cuối cùng ngày 13/6 trên sàn UPCoM trước khi chính thức giao dịch trên sàn HoSE.
Kể từ đại dịch Covid-19 tới nay, hoạt động niêm yết trên sàn trầm lắng, chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp đơn lẻ, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hoặc nông nghiệp. Kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu sau niêm yết có dấu hiệu lao dốc, gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Đơn cử, Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã DXS) niêm yết tháng 7/2021, được giới thiệu là “bom tấn” của thị trường năm 2021. Tuy nhiên, kể từ khi đạt đỉnh ngày 21/3/2022 vùng 25.460 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu này liên tục giảm và tới ngày 28/5/2024 chỉ còn 7.900 đồng/cổ phiếu, tức giảm 68,97% từ đỉnh, khi kết quả kinh doanh liên tục ghi nhận đà lao dốc hậu chào sàn.
Trường hợp mua và gồng lỗ cổ phiếu mới niêm yết phải kể tới Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) khi quý III/2021, đã đầu tư 38,35 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 1,86 tỷ đồng và tới cuối quý I/2024 vẫn đầu tư 60,27 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 26,28 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 43,6% tổng danh mục.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã KHG) niêm yết tháng 7/2021. Từ ngày 20/7/2021 đến 28/5/2024, giá cổ phiếu KHG đã giảm 62,9%, từ 15.400 đồng, về 5.720 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, Khải Hoàn Land đang ghi nhận lợi nhuận lao dốc trong năm 2023 và quý đầu năm 2024.
Mới đây, ngày 1/12/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (mã SBG) cũng chính thức niêm yết cổ phiếu sàn HoSE. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp cùng ngành, đơn vị này ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc, giá cổ phiếu từ ngày 4/12/2023 đến 28/5/2024 giảm 22,1%, từ 19.250 đồng, về 15.000 đồng/cổ phiếu.
Game hay còn ở phía trước
Giai đoạn trước, việc niêm yết mới chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản quy mô vừa và nhỏ, các công ty nhỏ, sau đó doanh nghiệp liên tục báo cáo kết quả kinh doanh khó khăn, dẫn tới giá cổ phiếu liên tục suy giảm, gây thua lỗ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại, nhìn vào danh sách doanh nghiệp nộp hồ sơ và đã được chấp thuận niêm yết, có thể thấy, chất lượng doanh nghiệp được cải thiện, ngành nghề niêm yết được mở rộng.
Chẳng hạn, Mộc Châu Milk sở hữu tổng đàn bò gần 26.500 con, 3 trung tâm giống với quy mô 1.600 con, năng suất bình quân đạt trên 25 lít sữa/con/ngày và sản phẩm đã có mặt tại gần 1.400 siêu thị như Aeon, Big C, Winmart… Tại thời điểm ngày 31/3/2024, Công ty không vay nợ, sở hữu tiền mặt 1.545,96 tỷ đồng, chiếm tới 59,3% tổng tài sản. Tuy nhiên, giống như công ty mẹ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM), rủi ro lớn nhất là Mộc Châu Milk đang hoạt động trong ngành có dấu hiệu bão hòa, áp lực cạnh tranh lớn giữa các hãng sữa trong nước và thế giới.
Tương tự, Gelex Electric là doanh nghiệp top đầu về sản xuất thiết bị điện tại Việt Nam và quản lý, đầu tư các dự án nguồn điện. Trong đó, đơn vị đang sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam, Công ty cổ phần Thiết bị điện, Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội, Công ty cổ phần Thiết bị đo điện EMIC, Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, Công ty cổ phần Mua bán điện Gelex, Công ty TNHH Phát điện Gelex…
Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ, tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, hàng loạt doanh nghiệp cũng hé lộ kế hoạch IPO và niêm yết các đơn vị thành viên. Trong đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) chia sẻ, doanh nghiệp có kế hoạch IPO Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai vào cuối năm 2024; Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) có kế hoạch IPO và niêm yết Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH); Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), doanh nghiệp có kế hoạch IPO mảng nhựa và ống thép…
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nêu quan điểm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả sẽ là điểm sáng trên thị trường. Việc IPO công ty con hoạt động hiệu quả sẽ tạo thêm hàng mới hấp dẫn cho thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn mà không phải tăng thêm gánh nặng lãi vay, giải quyết vấn đề vốn cho cả công ty con và công ty mẹ. Trong trường hợp phát huy lợi thế sau khi niêm yết, công ty con phát triển tốt sẽ là “phao cứu sinh” để dần phục hồi công ty mẹ.
Có thể thấy, việc các tập đoàn lớn đồng loạt chọn thời điểm này để xem xét thực hiện IPO và chuẩn bị kế hoạch niêm yết là tín hiệu sôi động cho thị trường.