Du lịch
Học chiến lược hút khách quốc tế của Thái Lan
Hạnh Phúc - 07/07/2024 09:42
Thái Lan là điểm đến mà du khách khó có thể chê ngay từ khi đặt chân tới đến lúc ra về. Du khách thường tiêu xài đến đồng tiền cuối cùng, hài lòng trong suốt chuyến đi và có tới hơn 80% khách quay lại nước này từ hai lần trở lên.
Ngành du lịch Thái lan có nhiều cách thức để thu hút và giữ chân du khách ở lại lâu hơn.

Khát vọng trở thành trung tâm du lịch toàn cầu

Chính phủ Thái Lan công bố 5 chiến lược để biến “xứ sở của những nụ cười” trở thành trung tâm du lịch toàn cầu, hướng tới mục tiêu đạt doanh thu du lịch 3.500 tỷ baht vào năm 2024 và ngành hàng không Thái Lan có thể phục vụ 150 triệu lượt khách du lịch mỗi năm trước năm 2030.

Đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, Thái Lan đã xây dựng “đại chiến lược” thu hút khách du lịch. Theo đó, xứ chùa vàng sẽ tổ chức khoảng 3.000 sự kiện và các lễ hội văn hóa gắn với thắp sáng các địa điểm di sản lịch sử vào ban đêm. Ở một số khu vực tại Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Chonburi, các tụ điểm giải trí được kéo dài thời gian mở cửa đến 4 giờ sáng. Cùng với đó là nới lỏng chính sách visa, miễn thị thực song phương với Trung Quốc và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch khác.

Việt Nam cần học ngành du lịch Thái Lan ở việc đảm bảo mức giá cạnh tranh; miễn giảm các thủ tục xuất nhập cảnh, miễn giảm thuế, giá vé máy bay. Các dịch vụ cần có sự liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm có mức giá hấp dẫn hơn. Ở Thái Lan, để tạo mức giá cạnh tranh, các tour được hỗ trợ bởi các điểm mua sắm. Khi đó các công ty lữ hành mới cân bằng được tài chính và có thể duy trì các hoạt động truyền thông quảng bá.

Cho phép các tụ điểm giải trí được kéo dài thời gian mở cửa là một trong những biện pháp của Chính phủ Thái Lan nhằm thu hút thêm lượng khách nước ngoài. Ngay sau khi chính phủ thông qua quyết định này, các địa điểm giải trí về đêm ở Thái Lan hoạt động trong khung giờ từ 2 đến 4 giờ sáng đã tăng lợi nhuận lên đáng kể.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đặt mục tiêu tạo ra những trải nghiệm có giá trị cho du khách, cũng như tăng mức chi tiêu, thay vì chỉ chú trọng số lượng khách đến. TAT sẽ tiếp tục duy trì thương hiệu “Amazing Thái Lan”, hướng tới các phân khúc cụ thể như cặp đôi Trung Quốc, đám cưới Ấn Độ, khách đi công tác, khách du mục kỹ thuật số (làm việc từ xa qua mạng Internet) cũng như khách du lịch đến chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp...

“Chúng tôi sẽ thiết kế nhiều điểm tham quan và chương trình khuyến mãi hơn để khuyến khích khách du lịch ở lại lâu hơn. Khi ở lại lâu hơn, sẽ có nhiều sự kiện để giữ chân du khách, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí mang đến khung cảnh cuộc sống về đêm sống động với đa dạng các hoạt động vui chơi giải trí. Đây là cách chúng tôi lên kế hoạch để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn”, ông Prommin, Tổng thư ký của Thủ tướng Thái Lan cho hay.

Mổ xẻ về sức hấp dẫn của du lịch xứ chùa vàng, CEO Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến phân tích, Thái Lan là một trong những điểm đến đường dài đầu tiên được quảng cáo rầm rộ với người phương Tây vào những năm 1980 như một “giấc mơ kỳ lạ”. Thậm chí, đến bây giờ, nhiều người dù chưa từng đặt chân đến xứ sở chùa Vàng cũng có những ấn tượng nhất định về Thái Lan và mong muốn được một lần đến thăm. Vì vậy, từ lâu Thái Lan đã nằm trong danh sách mong muốn phải đến của người phương Tây so với các điểm đến khác.

“Thời gian gần đây, TAT xác định thị trường khách gần là động lực chính cho du lịch nước này, chiếm 70% lượng khách và 62% đóng góp doanh thu. Du khách Đông Nam Á không chỉ đến Thái Lan một lần trong đời, thậm chí có thể lấp đầy khoảng thời gian cần thiết trong mùa mưa (khi nhiều người phương Tây tránh đến). Các chuyến bay trong khu vực Đông Nam Á cũng rẻ, nên có một lượng lớn khách châu Á ghé thăm Thái Lan đều đặn”, ông Chiến nói.

Chuyên nghiệp hóa ở mức cao

So sánh tương quan với du lịch Việt Nam, CEO Sunvina Travel cho rằng, có 8 lý do khiến Thái Lan hấp dẫn khách quốc tế hơn gồm: chính sách linh hoạt tạo điều kiện dễ dàng cho khách nhập cảnh; coi trọng khách du lịch; ứng xử chuyên nghiệp từ trung tâm thương mại đến hàng rong trên đường phố; quảng bá xúc tiến sâu rộng; sản phẩm du lịch hoàn chỉnh; mặt bằng giá cả nhiều dịch vụ thấp, chi phí du lịch cạnh tranh với các nước trong khu vực; tối ưu giá dịch vụ nhờ sự liên kết hoàn hảo giữa các nhà cung cấp trong chương trình tour; đa dạng các điểm vui chơi giải trí, đặc biệt cuộc sống về đêm sôi động, thoải mái dường như không có giới hạn.

Đó cũng là lý do vì sao Thái Lan luôn nằm trong nhóm 5 quốc gia có doanh thu du lịch cao nhất thế giới, với trên 63 tỷ USD. Trong khi đó, ở Việt Nam, thời điểm hoàng kim năm 2019 cũng chỉ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng một nửa lượng khách nước ngoài vào Thái Lan.

Theo ông Lê Công Năng, CEO WonderTour, năm 2023, Thái Lan đã chi tới 93 triệu USD vào việc thúc đẩy và phát triển ngành du lịch bền vững, đặc biệt là rất tích cực tổ chức các chuyến Famtrip cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với chi phí siêu ưu đãi. Mỗi năm, Thái Lan đều quảng bá các chương trình, sự kiện mới mẻ để thu hút du khách trên toàn thế giới và luôn khiến du khách hài lòng khi đến nơi này. Mỗi thị trường mà du lịch Thái Lan có văn phòng đại diện thường áp dụng chính sách quảng bá riêng nên rất hiệu quả.

“Thái Lan chi 93 triệu USD cho xúc tiến du lịch để mang về doanh thu 63 tỷ USD. Việt Nam doanh thu trên 26 tỷ USD, nhưng ngân sách quảng bá, xúc tiến du lịch chỉ khoảng 2 triệu USD. Với bài toán kinh doanh tổng thể, chúng ta có thể đầu tư nhiều hơn để có doanh thu lớn hơn không?”, ông Năng gợi mở.

Bên cạnh đó, ông Năng cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là đường bay và cảng hàng không, để giảm chi phí vận chuyển và tăng tính cạnh tranh với các địa điểm du lịch khác. Đồng thời, thu hút du khách quốc tế bằng việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và bền vững như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, giúp tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Việc nâng cao chất lượng nhân sự ngành du lịch cũng rất quan trọng trong thời điểm này.

Tin liên quan
Tin khác