Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: AFP |
Suy đoán thông thường của báo chí khu vực là Thủ tướng Yoshihide Suga chọn thăm Đông Nam Á là nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia khu vực này trong bối cảnh căng thẳng giữa đồng minh an ninh thận cận của Nhật Bản là Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, quan điểm trên không cắt nghĩa hoàn oàn tại sao ông Suga chọn thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên mà không phải các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Bàn luận thêm về điều này, một số học giả cho rằng, Thủ tướng Suga thăm Việt Nam và Indonesia là trong bối cảnh Việt Nam đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, còn Indonesia là thành viên nhóm các nước G20 mà Nhật Bản đóng vai trò quan trọng ở đó.
Trong bài viết trên tờ Japan Times, ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện Chính sách Ngoại giao và hiện là cố vấn đặc biệt cho Nội các Nhật Bản, cho rằng, hai lý do trên không phản ánh hết bản chất vấn đề.
Ông Kuni Miyake được mời tới dự bữa ăn trưa ngày 4/10, tại đây ông không bao giờ nghĩ mình có cơ hội tư vấn cho Thủ tướng Yoshihide Suga về chính sách ngoại giao. Ngỡ ngàng hơn, khi Thủ tướng Suga hôm 13/10 đã bổ nhiệm ông Kuni Miyake cùng 5 chuyên gia khác làm cố vấn đặc biệt cho Nội các Nhật Bản.
Tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, ông Kuni Miyake được biết Thủ tướng Suga đã công bố rộng rãi về chuyến thăm Việt Nam và Indonesia theo kế hoạch vào tuần tới. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Suga dự kiến hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Thế nhưng, điều khiến báo giới Nhật Bản và thế giới lấn cấn về lý do tại sao ông Suga chọn thăm Việt Nam và Indonesia mà không phải các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Tại sao?
Kể từ năm 1945, thăm Washington luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các đời thủ tướng Nhật Bản. Nhưng năm 2020, chuyện đã khác. Trong lúc nước Mỹ đang căng mình với cuộc bầu cử tổng thống và dịch Covid-19 chưa ngớt, lựa chọn tốt nhất cho ông Suga là không thăm Mỹ.
Trong khi đó, Tokyo luôn tìm cách thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bằng cách xây dựng mối quan hệ ổn định với các láng giềng, trong đó hàm ý cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Nhưng thăm Trung Quốc hay Hàn Quốc là không thể, bởi cả hai quốc gia này không phải là ưu tiên của Nhật Bản. Liệu ông Suga có thể thăm Bắc Kinh được không? Nếu có, đó sẽ là "sai lầm chính trị" với quan hệ song phương Nhật Bản - Trung Quốc như hiện nay, theo cố vấn Kuni Miyake.
Còn nếu thăm Seoul lúc này thì giống như "tự sát chính trị". Kyodo News hôm 3/10 đưa tin, hội nghị thượng đỉnh 3 bên: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ không được tổ chức trong năm nay do Tokyo nhận thấy ông Suga không có ý định nhượng bộ Hàn Quốc trong vấn đề bồi thường lao động thời chiến.
Hướng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở
Trong khi đó, thăm Việt Nam và Indonesia lúc này là thời điểm hoàn hảo để thúc đẩy khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á thêm ổn định và thịnh vượng.
Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản không đơn thuần là góc độ quân sự. Không giống Mỹ, Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy tầm nhìn Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở một cách bao trùm hơn khi tập trung cho cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa và thực thi pháp luật.
Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của ông Toshimitsu Shigemura, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda (Tokyo) cho biết Bắc Kinh quan ngại và phản đối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trở nên gần gũi hơn, còn Stephen Nagy, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (Tokyo) tin rằng, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có bước đi thận trọng để tránh mối bất hòa với Trung Quốc trở nên sâu sắc.
"An ninh là lĩnh vực mà Nhật Bản và Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác, nhưng ông ấy (Thủ tướng Suga - BTV) cũng muốn thúc đẩy các thỏa thuận khác về phát triển hạ tầng, đa dạng chuỗi cung ứng và mở rộng hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam như biện pháp để thúc đẩy quan hệ hai bên", GS. Nagy nhận định.