Ngân hàng - Bảo hiểm
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xanh - Hướng đi nào cho Việt Nam?
PV - 13/12/2024 20:31
Trong bối cảnh hiện nay, khi các hiện tượng thiên tai ngày càng trở nên khó lường và gây hậu quả nghiêm trọng thì tính cấp thiết của các giải pháp bảo hiểm và quản lý rủi ro thiên tai lại càng được quan tâm.
TIN LIÊN QUAN

 

Điển hình trong năm 2024, siêu bão Yagi đổ bộ, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy và làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Singapore hay Hàn Quốc đã áp dụng mô hình bảo hiểm xanh như một giải pháp sáng tạo và hiệu quả để tăng cường khả năng chống chịu thiên tai. Vậy Việt Nam có thể học hỏi được điều gì từ những bước đi này?

Bảo hiểm xanh: Giải pháp tài chính góp phần vào sự phát triển vững mạnh

Bảo hiểm xanh là công cụ tài chính quan trọng giúp quản lý rủi ro môi trường như ô nhiễm, thiên tai và biến đổi khí hậu. Không chỉ hỗ trợ tài chính khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ ngân sách quốc gia và duy trì ổn định kinh tế - xã hội, bảo hiểm xanh còn thúc đẩy phát triển bền vững.

Đồng thời khuyến khích hành vi thân thiện với môi trường, thúc đẩy công nghệ xanh và cải tiến quản lý rủi ro. Các sản phẩm điển hình gồm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiên tai giúp phục hồi nhanh chóng sau thảm họa, và bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường khuyến khích hành vi thay đổi từ cả cộng đồng và doanh nghiệp.

Bảo hiểm xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu mà còn hỗ trợ nhanh chóng phục hồi sau các thiên tai.  Ảnh: Envato

Bảo hiểm xanh tại Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ chờ được khai thác

Luật Bảo vệ Môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và Luật Kinh doanh bảo hiểm cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo nền tảng cho hoạt động bảo hiểm xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn thiếu các quy định pháp lý rõ ràng để phát triển bảo hiểm xanh. Mặc dù các chính sách khuyến khích như giảm thuế và phí cho sản phẩm bảo hiểm xanh đã được đưa ra, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết, nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam như Bảo Việt, PVI và PTI, đã bắt đầu chú trọng phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh. Các sản phẩm hiện tại chủ yếu tập trung vào bảo hiểm nông nghiệp, năng lượng tái tạo, trách nhiệm môi trường, xây dựng xanh và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Đây là cơ hội lớn để phát triển bảo hiểm xanh, khi các doanh nghiệp có thể sáng tạo sản phẩm mới và nhận sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và chính phủ Đức thông qua GIZ, đã nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, và Hàn Quốc, giúp xây dựng hệ sinh thái bảo hiểm xanh bền vững.

Singapore: Lá chắn thảm họa - Cat bonds

Singapore là một trong những quốc gia đi đầu về bảo hiểm xanh ở châu Á. Năm 2018, nước này phát hành trái phiếu thảm họa (Cat bonds) để bảo vệ quốc gia khỏi thiệt hại thiên tai, đồng thời chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí phát hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm còn phải thực hiện kiểm tra sức chịu đựng để đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Kết quả, ngành bảo hiểm của Singapore ngày càng phát triển và sẵn sàng đối phó với các kịch bản biến đổi khí hậu.

Trung Quốc: Quy định rõ trách nhiệm đối với người gây ô nhiễm

Trung Quốc đã xây dựng hệ thống bảo hiểm xanh từ những năm 1990, nhằm ràng buộc trách nhiệm đối với các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao tham gia để đảm bảo khả năng khắc phục hậu quả. Đến năm 2021, giá trị hệ thống bảo hiểm xanh của nước này đạt 2.000 tỷ nhân dân tệ, bao gồm bảo hiểm cho năng lượng tái tạo và các dự án xanh. Các công ty bảo hiểm cũng phải đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong báo cáo thường niên (ORSA), từ đó nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro và hỗ trợ phát triển bền vững.

Hàn Quốc: Thúc đẩy tăng trưởng xanh từ sự hợp tác công - tư

Hàn Quốc là quốc gia gây ấn tượng với chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia công bố năm 2009. Chính phủ Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tư nhân để phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho năng lượng tái tạo, xe điện và công trình xanh. Mô hình hợp tác công – tư này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho Chính phủ mà còn khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực vào các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Việt Nam học hỏi được gì từ những bước đi của các quốc gia khác?

Những bài học từ quốc tế chỉ ra rằng, là một sự đầu tư thông minh cho tương lai mà Việt Nam cần xây dựng chiến lược toàn diện, bắt đầu từ việc hoàn thiện khung pháp lý, với các quy định rõ ràng về bảo hiểm trách nhiệm môi trường và rủi ro thiên tai. Chính phủ nên yêu cầu doanh nghiệp đánh giá rủi ro khí hậu và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như ORSA để quản lý rủi ro hiệu quả.

Bảo hiểm xanh – Hướng đi mới cho sự phát triển bền vững. Ảnh: Envato

Đồng thời, phát triển các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo như trái phiếu thảm họa và bảo hiểm dựa trên chỉ số khí hậu cũng là giải pháp thiết thực đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà nước cũng cần hỗ trợ tài chính, công nghệ, giảm thuế và đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý rủi ro. Tăng cường nhận thức cộng đồng và phối hợp giữa các bộ, ngành là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận và triển khai hiệu quả các chính sách.

Bảo hiểm xanh là bước đi quan trọng trong phát triển bền vững mà minh chứng chính là các quốc gia đi trước. Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thị trường bảo hiểm xanh mạnh mẽ bằng cách áp dụng những bài học từ các quốc gia tiên phong. Trong quá trình đó, sự đồng hành của Dự án Tăng cường quản lý tài chính công trong việc triển khai triển khai các hoạt động sẽ góp phần nền kinh tế xanh và thịnh vượng.

Tin liên quan
Tin khác