Dự án độc đáo, điểm nhấn của du lịch Hội An
Năm 2004, Dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An được cấp phép triển khai với mức tổng vốn đầu tư 43 triệu USD, tổng diện tích quy hoạch dự án hơn 11,3 ha (gồm 1 cồn bãi lớn, 1 cồn nhỏ trên sông Hoài và một phần trên bờ thuộc phường Cẩm Châu và phường Cẩm Nam, TP.Hội An). Cũng vào năm đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch 1/500 cho dự án này.
Đây là dự án xây dựng mô hình du lịch, lưu trú và dịch vụ hội nghị đơn thuần. Chủ đầu tư sau khi nghiên cứu và xin ý kiến của các đơn vị ban, ngành liên quan nhận thấy mô hình chưa thực sự phù hợp và hiệu quả nhất tại Hội An. Mặt khác, quá trình xây dựng kéo dài nhiều năm gặp nhiều khó khăn vì lúc đó dự án không được phép đổ đất nâng nền nên chủ đầu tư xây lên rồi mùa mưa lũ về, nước sông Thu Bồn dâng cao tràn vào công trình xóa sạch tất cả. Sau một thời gian thấy khó khăn quá không làm được, năm 2015, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Gami Hội An đã trả lại dự án.
Phối cảnh Dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An”. |
Tháng 8/2016, Dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An” của Gami được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh tế, môi trường và sinh kế của người dân Hội An, chúng tôi đã phát triển mô hình Công viên chủ đề “Ấn tượng Hội An”. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo với quy mô lớn mà Hội An đang còn thiếu. Quá trình xây dựng cũng như vận hành sẽ giải quyết hàng ngàn lao động địa phương, gia tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch, kéo theo các dịch vụ đi kèm. Thông qua đó, góp phần đáng kể vào kinh tế du lịch và sinh kế địa phương. Sản phẩm du lịch như thế này không chỉ Hội An mà với một quốc gia có tiềm năng du lịch lớn như Việt Nam đang còn thiếu”, ông Đào Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gami Hội An cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An cũng cho biết, “Hội An đang thiếu một số sản phẩm về văn hóa để kéo khách ở trọ lâu dài. UBND tỉnh thấy nếu Gami tổ chức được một số chương trình nghệ thuật, đặc biệt các show diễn nên đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, Gami đã đề xuất công trình công viên, nhưng công trình sân khấu ngoài trời, nếu như thấp hơn 13,5 m thì không thể làm được. Ở đó sẽ làm điểm nhấn (điểm cao nhất) để phục vụ đại biểu ngồi. Còn sân khấu là sân khấu mặt bằng, ở dưới này không có vấn đề gì hết. Trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh thống nhất chỉ duy nhất công trình sân khấu ngoài trời có điểm nhấn cao 16,5 m. Những công trình còn lại chỉ 2,5 tầng và cao tối đa là 13,5 m. Mật độ xây dựng cho phép từ 23,5% -25%”, ông Dũng cho biết.
Điều chỉnh thiết kế phù hợp với không gian, môi trường
Theo Sở Xây dựng Quảng Nam, Dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất về nguyên tắc cho Công ty cổ phần Gami Hội An tiếp tục triển khai trên cơ sở kế thừa dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An (năm 2004). UBND tỉnh, sở, ngành và chính quyền Hội An đã xem xét phương án quy hoạch, xác định có một công trình điểm nhấn với chiều cao 16,5m.
“Chiều cao xác định 16,5 m đã được thống nhất từ năm 2004 đến nay trên cơ sở dự án ban đầu và chuyển tiếp đến năm 2016 cũng giữ nguyên như vậy. Vấn đề chiều cao này cũng đã được họp nhiều lần giữa tỉnh, TP.Hội An và các phòng chuyên môn TP.Hội An và đã có kết luận rõ ràng. Khu vực triển khai dự án nằm ngoài vùng đệm khu phố cổ, cách vùng đệm khoảng 600 m. So với các công trình lân cận, nó ở xa khu phố cổ nên không ảnh hưởng gì đến vùng lõi cũng như vùng đệm. Nói như vậy để thấy trong quá trình nghiên cứu cũng đã xem xét trên hồ sơ quy hoạch cũng như trên thực tế cụ thể thấy chiều cao bảo đảm cho công trình”, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết.
Đại diện Gami cho hay, Dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An” đã được cấp phép theo đúng quy trình của một dự án đầu tư bao gồm các tiêu chuẩn về xây dựng và báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đặc thù của vị trí dự án. Khi tiến hành xin cấp phép, Gami đã lấy đủ ý kiến của các cơ quan ban ngành chuyên môn của tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An.
Trong thời gian qua, khi thực hiện dự án, Gami đã lắng nghe ý kiến của rất nhiều người dân và nhận được sự tham vấn của các nhà chuyên môn nghiên cứu uy tín, đặc biệt là ý kiến rất bổ ích của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An để chỉnh sửa phù hợp, đảm bảo dòng chảy và tăng thêm nhiều diện tích cây xanh cho khu công viên. Đồng thời, chủ đầu tư đã nghiên cứu kỹ điều kiện thủy văn để thiết kế kè mái nghiêng để giảm áp lực chắn nước.
“Sau khi nhận những ý kiến góp ý từ phía các chuyên gia, những người am hiểu Hội An, chúng tôi đã có những điều chỉnh về quy hoạch dự án cũng như công trình sao cho phù hợp hơn với định mức đầu tư. Về thiết kế công viên, trước mắt chúng tôi sẽ bỏ khu rạp hát trong nhà và điều chỉnh quy hoạch để tăng diện tích nông nghiệp như trồng bắp, trồng lúa trong khuôn viên công viên để giúp khách hàng tăng thêm trải nghiệm thực tế về các ngành nghề truyền thống tại Hội An”, ông Tùng cho biết.
Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động thì toàn bộ dự án sẽ được phủ kín cây xanh theo tiêu chuẩn của công viên. Chủ đầu tư cho biết, Gami sẽ tiếp tục tiếp thu tích cực và đang hoàn thiện thiết kế, xây dựng công trình để có thể cống hiến cho Hội An có một sản phẩm du lịch giá trị, phù hợp với bối cảnh, truyền thống của TP. Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Dự án này đã được khởi động từ nhiều năm trước và năm 2016, nhà đầu tư xin tái khởi động để đầu tư Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An. Các cuộc thảo luận kỹ giữa các sở, ban, ngành, UBND tỉnh và Hội An, đã cho thấy nhu cầu xây dựng một công viên là phù hợp với Hội An.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. |
Sau rất nhiều cuộc họp bàn, nhà đầu tư tiến hành các thủ tục theo quy định. Từ thủ tục đất đai, xây dựng, quy hoạch như thế nào cho phù hợp và điều chỉnh quy hoạch kể cả tỷ lệ xây dựng, chiều cao công trình. Thực tế, dự án này nằm ngoài vùng đệm khu đô thị cổ Hội An. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án, cũng đã được triển khai hết sức cẩn thận; cơ quan chuyên môn đã xem xét, đánh giá cụ thể về mức độ tác động đến môi trường tự nhiên, cảnh quan đô thị, dòng chảy, áp lực nước…khi lũ lụt như thế nào. Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hội An cũng đã góp ý cụ thể thông qua quy hoạch và thiết kế xây dựng công trình.
Khá nhiều ý kiến cho rằng dự án đã tác động dẫn đến nguy cơ xói lở, ảnh hưởng môi trường Hội An. Nhưng để phê duyệt dự án và cấp phép không phải là chuyện bộc phát mà là quá trình dài đã được thảo luận kỹ, tính toán mọi thứ, đặc biệt là Hội An – địa bàn thực hiện dự án và thụ hưởng. Nếu như nhà đầu tư sai với các quyết định đã duyệt thì sẽ phải xử lý, dự án sẽ bị bác bỏ. Nhưng nếu phù hợp, đúng với phê duyệt thì công trình sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2.
Không phải một cá nhân quyết định cho dự án này mà là cả một tập thể vào cuộc, với sự tính toán kỹ lưỡng nhiều chiều kích văn hóa, cảnh quan… trước khi phê duyệt. Nói chung dự án được thảo luận kỹ. Có rất nhiều cuộc họp, kể cả tại Hội An. Nếu dự án có sai sót, không đúng, không phù hợp sẽ phải thay đổi. Sai sẽ sửa. UBND tỉnh khẳng định không bảo thủ mà luôn lắng nghe các ý kiến góp ý. Chính quyền sẽ rà soát lại sai cái gì để điều chỉnh.
Dự án Công viên chủ đề Ấn tượng Hội An hiện nay đều dựa vào nền tảng của quyết định cũ (từ năm 2004) để phê duyệt dự án điều chỉnh. Không có chuyện chính quyền “tiền hậu bất nhất”.
(Theo Báo Quảng Nam Online)