Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao mối quan tâm của WB với quá trình ứng phó BĐKH của Việt Nam.
Theo đó, WB đã có những đóng góp lớn vào việc giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, cung cấp năng lượng nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng.
Hội đàm sẽ đưa ra giải pháp và chương trình cụ thể liên quan tới BĐKH |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đối với việc ứng phó BĐKH, WB là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong việc giúp Việt Nam xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia, xây dựng chương trình và quy hoạch ứng phó BĐKH. Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu với mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Do đó, ứng phó BĐKH là vấn đề Việt Nam hết sức quan tâm.”
Về kết quả, Việt Nam đã đưa ra kịch bản BĐKH, bản đồ về BĐKH và xây dựng được chương trình hành động cho các Bộ, ngành trong việc ứng phó BĐKH.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, hội đàm sẽ tập trung vào thảo luận 3 nội dung chính gồm: các thách thức chung của Việt Nam trong ứng phó BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh phát thải ít carbon và nâng cao vai trò của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong ứng phó BĐKH.
Theo Bộ trưởng Quang, nguy cơ về BĐKH đang hiện hữu với Việt Nam, nhất là khi mực nước biển dâng cao ảnh hưởng tới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập, khi đó, thiệt hại về kinh tế - xã hội là rất lớn.
Bộ trưởng cũng cho rằng, mặc dù có đạt một số kết quả nhất định trong ứng phó BĐKH, tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn nhà nước và tư nhân cũng như sự phối hợp liên ngành và đưa ra giải pháp tổng thể hài hòa cho việc ứng phó vẫn đang là thách thức của Việt Nam.
Trong khi đó, với vai trò là cơ quan xác định nhu cầu vốn cho BĐKH, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), ông Nguyễn Thế Phương cho rằng, để thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh từ nay tới 2020, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD.
Cùng với đó, để giảm thiệt hại của BĐKH khoảng 2-6% GDP/năm như dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cũng cần một lượng vốn tương ứng thích ứng.
Thứ trưởng Phương cũng cho biết thêm, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên cho công tác thích ứng giảm nhẹ BĐKH bằng việc duy trì 20% ngân sách cho công tác này.
Nhằm giải quyết vấn đề vốn, Việt Nam cũng chủ động trở thành đối tác của Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ thích ứng, Quỹ khí hậu xanh….
Bộ KHĐT cũng đã xây dựng các chương trình ưu tiên đầu tư, lồng ghép chương trình BĐKH với các kế hoạch phát triển kinh tế nhằm sử dụng những nguồn vốn này một cách hiệu quả.
Về công tác chung liên quan tới BĐKH, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà cho rằng, BĐKH hiện là vấn đề mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là hợp tác toàn cầu chưa tìm được sự đồng thuận. Do đó, chính sách toàn cầu xác định trách nhiệm và cơ chế hóa, chương trình hành động mỗi quốc gia chưa có.
Riêng tại Việt Nam, BĐKH đòi hỏi tính liên ngành cao nhưng tư duy, cách tiếp cận, phương pháp liên ngành của Việt Nam đang là rào cản. Trong khi đó, việc đánh giá, lượng giá những tác động từ BĐKH đến kinh tế còn khó khăn vì chưa có cơ sở đánh giá đủ độ tin cậy dẫn tới cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng không cao. Bên cạnh đó, lợi ích ngành và lợi ích địa phương cùng việc thiếu tiêu chí lồng ghép kế hoạch vùng phù hợp hệ sinh thái cũng đang trở thành rào cản cho Việt Nam trong ứng phó BĐKH.
Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH, Việt Nam sẽ còn gặp nhiều thách thức trong tương lai. Do đó, hội đàm giữa 2 bên sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể và chương trình sắp tới liên quan tới BĐKH và tăng trưởng xanh nhằm giúp Việt Nam ứng phó tốt với BĐKH. Điều này càng có vai trò quan trọng hơn trong bối cảnh những nỗ lực quốc tế trong ứng phó BĐKH giảm phát thải khí nhà kính chưa đạt được thành tựu đang kể.”
Trước đó, bà Rachel Kyte và phái đoàn WB đã có chuyến đi thực địa tại Bến Tre nhằm nắm rõ tình hình thực tế ứng phó BĐKH tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, bà Kyte sẽ có có cuộc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp Việt Nam nhằm hiểu rõ hơn thực tế sự tham gia của khối tư nhân trong lĩnh vực BĐKH để từ đó có những bước đi cần thiết, hợp tác cụ thể với Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả công tác ứng phó BĐKH, hiệu quả đầu tư và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân trong ứng phó BĐKH.
Hải Hà