Trao đổi tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay (23/6) về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ tổ chức trong 1 ngày (ngày 26/6). Đây là Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm sẽ là Hội nghị nội bộ của các Lãnh đạo ASEAN rà soát công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35, cho ý kiến chỉ đạo về hướng triển khai các trọng tâm ưu tiên của năm, hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tới và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
“Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, chắc chắn một trọng tâm được các Nhà lãnh đạo tập trung trao đổi sẽ là hợp tác ứng phó dịch bệnh và tăng cường khả năng phục hồi”, Trưởng SOM Việt Nam thông tin.
Họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 |
Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên Khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Ngoài ra, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo khác cũng tham gia phiên đối thoại với thanh niên ASEAN và các ngành, giới, doanh nghiệp để thúc đẩy sự gắn kết, tham gia của các thành phần khác nhau trong cộng đồng chung các nước Đông Nam Á.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả ba trụ cột: Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hóa - xã hội. Thời gian qua, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã cùng các nước thành viên ASEAN khác, thực hiện nhiệm vụ kép là "vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020”.
“Thông qua các hoạt động đối thoại của Lãnh đạo ASEAN với đại diện các ngành, các giới trong ASEAN, ASEAN mong muốn thúc đẩy gắn kết và sự tham gia đóng góp tích cực của các thành phần khác nhau trong xã hội trong tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay.
Trao đổi các vấn đề báo giới đặt ra tại cuộc họp báo, về chủ đề “chủ động gắn kết và thích ứng”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, khi xây dựng chủ đề này, thế giới chưa xuất hiện dịch Covid-19. Việt Nam đề xuất chủ trương gắn kết và thích ứng vì nhận thấy, trong thời điểm hiện tại, đoàn kết, gắn bó chính là yếu tố quyết định cho thành công của ASEAN. Bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của Mỹ - Trung quốc cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ… đặt ra yêu cầu gắn kết các nước ASEAN.
“Chúng tôi đâu có nghĩ quyết định chủ đề ASEAN 36 xong thì không chỉ khu vực mà cả thế giới phải đối mặt ngay với thách thức to lớn là dịch bệnh Covid-19. Nhưng điều đó cho thấy chủ đề được đặt ra rất đúng, phù hợp. 6 tháng qua, hợp tác của ASEAN luôn hướng theo tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, đã tạo ra hiệu quả, ASEAN trở thành hình mẫu cho các hoạt động hợp tác quốc tế”, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam nhấn mạnh.
Dự kiến, kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện.