Bộ NN&PTNT tổ chức "Hội nghị Diên Hồng" lắng nghe ý kiến các nhà khoa học kỳ cựu |
Một nền nông nghiệp “cơ bắp” và tủn mủn
Gặp khó khăn chưa từng thấy, song nông nghiệp năm nay đã đạt được những thành tựu to lớn, xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD. Thành tựu này nhờ một phần lớn của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Ba năm qua, các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời ứng dụng chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận.
Dù vậy, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nền nông nghiệp quy mô nhỏ với 78 triệu mảnh ruộng rất khó hội nhập. Việt Nam còn là một trong ba quốc gia bị tác động khốc liệt nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nông nghiệp chưa hình thành được trụ cột về tổ chức sản xuất, có gần 14 triệu hộ sản xuất nhưng chưa hình thành được các mô hình sản xuất hàng hóa lớn nên giá bán không cao. Vì vậy, rất cần sự hiến kế của các nhà khoa học”.
Chia sẻ với nỗi băn khoăn của người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải phát triển theo chiều sâu, do đó, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phải là yếu tố then chốt. Bộ trưởng cung cam kết, ngành khoa học đã và sẽ luôn luôn đồng hành cùng ngành nông nghiệp.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học rất hoan nghênh tinh thần lắng nghe và đánh giá cao ứng dụng khoa học trong phát triển nông nghiệp của các thành viên Chính phủ mới.
“Thành tựu ngành nông nghiệp những năm qua rất nhiều, song vấn đề lớn nhất là đời sống nông dân vẫn còn thấp quá. Bên cạnh đó, dù có tới 12 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, đứng nhất nhì thế giới, song hiệu quả vẫn còn thấp. Nền nông nghiệp nước ta vẫn là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận xét.
Lý giải tình trạng này, Giáo sư Long cho rằng, nguyên nhân một phần do nghiên cứu khoa học trong nước vẫn chưa năng động, dựa vào nhà nước. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất rất kém.
Do vậy, nhà khoa học này kiến nghị, Chính phủ nên có cơ chế linh hoạt để tận dụng nghiên cứu của các nhà khoa học đã về hưu. Hiện nay, rất nhiều giống lúa được trồng rộng rãi tại ĐBSCL không phải do các viện nghiên cứu của nhà nước làm ra, mà chủ yếu do một số nhà khoa học tự nghiên cứu và bán lại cho các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Giáo sư Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương kiến nghị thêm, Bộ NN&PTNT cần thay đổi cách đặt hàng. Theo đó, Bộ nên “khoán gọn” và đặt hàng cho nhà khoa học, nếu thẩm định không đạt thì các nhà khoa học phải trả lại tiền. Cách làm này hiệu quả hơn so với cấp tiền ngân sách để làm những công trình nghiên cứu hoành tráng, nhưng sau đó lại xếp vào ngăn bàn.
Một trong những lĩnh vực được các nhà khoa học tập trung hiến kế nhiều nhất với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu giống, vì đây chính là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng nông sản, mang lại sự chủ động cho nền sản xuất bền vững.
Hình thành cơ chế hợp tác để lắng nghe ý kiến các nhà khoa học
Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước thách thức biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền nông nghiệp dựa vào hộ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa thì không con đường nào khác là phải tập trung giải pháp khoa học công nghệ. Trong đó vai trò của các nhà khoa học đóng góp vai trò quyết định, phải trở thành “hạt nhân” để liên kết “4 nhà”.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ hình thành cơ chế hợp tác để đón nhận được những ý tưởng, đề tài, chương trình tham vấn bổ ích, thiết thực, sát với thực tiễn của các nhà khoa học để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tới đây, có thể sẽ có những diễn đàn về từng lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, thủy lợi… để lắng nghe ý kiến chuyên sâu của nhà khoa học từng ngành.
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016. Tuy vậy, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ lớn là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập; trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,0 - 3,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 32,0 - 32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đạt 28-30%.
Năm 2017 Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/Thành phố; Nhóm sản phẩm vùng/miền.
“Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, nhằm thúc đẩy khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo một số đơn vị nghiên cứu của Bộ ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Công ty cổ phần Hùng Vương xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và liên kết tiêu thụ cá tra. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc trời nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng và phân bón. Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong chọn tạo giống dừa và một số loài cây trồng nông nghiệp. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II cũng đang phối hợp với Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm nước lợ.