Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa hình thành mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn của cả hai nước và khu vực. Trong đó đặc biệt là nhu cầu kết nối chặt chẽ các nền kinh tế với nhau, giữa Việt Nam - Lào - Campuchia và mở rộng hơn nữa là giữa Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan và Myanmar trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bùi Quàng Vinh, trong giai đoạn 2011 – 2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước được cải thiện do hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh, nhiều hiệp định, thỏa thuận, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hai bên được triển khai tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án.
Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Số liệu thống kê Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2015, Việt Nam có 258 dự án với tổng số vốn đạt hơn 5,3 tỷ USD, gấp 1,3 lần về số dự án và 1,26 lần về tổng vốn đầu tư so với năm 2010 (190 dự án, vốn đăng ký 4,2 tỷ USD). Qua đó, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào và hiện Lào là quốc gia mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.
Theo đó, một số dự án lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế Lào góp phần tăng thu ngân sách cho Lào năm 2015 ước đạt 240-260 triệu USD, đến năm 2017 ước đạt từ 350 – 400 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho trên 35.000 lao động, dự kiến đến năm 2017 là 42.000 – 45.000 lao động.
Một số dự án điển hình như: Dự án thủy điện Xekaman 3 (tổng mức đầu tư 311,7 triệu USD, công suất 250MW, sản lượng điện trung bình 1,1 tỷ kWh/năm); Dự án sân Golf của Công ty Golf Long Thành; Các dự án của Hoàng Anh Gia Lai: dự án Cụm công nghiệp mía đường & Trung tâm nhiệt điện, tổng mức đầu tư 87,8 triệu USD (sản xuất đường công suất 7.000 tấn mía cây/ngày; nhiệt điện công suất 30 MW; cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm; phân bón 50.000 tấn/năm).
Đặc biệt, chính phủ Lào cũng đã đánh giá cao về dự án trồng và chế biến cao su (đã trồng 28.000 ha cao su và cọ dầu, nhà máy chế biến mủ cao su công suất 25.000 tấn/năm); Các dự án trồng cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam (hoàn thành dự án trồng 27.850ha cao su/43.000ha được cấp và nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Champasak). Đặc biệt mô hình đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu cũng được chính phủ Lào đánh giá cao và đề nghị nhân rộng tại các tỉnh của Lào.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư sang Lào (AVIL) cho rằng, Chính phủ Lào còn thiếu chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình cấp phép còn dài; cơ chế chính sách, thủ tục cấp phép đầu tư vào Lào thiếu đồng bộ giữa trung ương và địa phương, nhất là lĩnh vực đất đai, lao động, vật tư thiết bị máy móc ... gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam phản ánh tình trạng tuyển dụng lao động tại Lào còn nhiều khó khăn, thiếu lao động có đào tạo, có kĩ năng cũng như tính kỉ luật cao. Để cải thiện nhanh tình trạng này, ông Đức kiến nghị phía Chính phủ Lào nới rộng qui định hạn chế tỷ lệ nhân sự người Việt Nam tham gia các dự án.
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng đề xuất Chính phủ hai nước Việt - Lào đẩy nhanh thống nhất các hiệp định, cơ chế chính sách về hợp tác kinh tế giữa hai bên như: thống nhất phương pháp thống kê, cấp phép dự án; đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng giao thông qua các cửa khẩu, cũng như ưu đãi lãi suất vay cho doanh nghiệp, ưu đãi các mức thuế nguyên liệu, phí cầu đường, …
Ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp hai nước, Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ cùng tìm hướng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về phía Chính phủ Lào, Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad cho biết, Chính phủ Lào sẽ rà soát lại các qui trình, thủ tục nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính.
Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad nhấn mạnh, nếu không thực hiện cải cách hành chính nhanh thì đây sẽ là bước cản trong con đường hội nhập với các quốc gia khu vực ASEAN và quốc tế.
“Các doanh nghiệp hai nước phối hợp nhau đầu tư vào các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông … Bởi, từng dự án của các doanh nghiệp sẽ là cây cầu nối kết tình hữu nghị bền chặt của hai nước Việt – Lào” Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad nói.
Đại diện chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, để mối quan hệ Lào – Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp tại Lào có thêm những bước đột phá trong đầu tư ở Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước.
“Các đơn vị hướng vào các dự án có hiệu quả, chú trọng các vùng phía Bắc Lào, các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa …, nêu cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường … để giữ vững uy tín của doanh nghiệp Việt trên đất Lào” Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Tại Hội nghị lần này, Chính phủ hai nước xác định trong thời gian đến sẽ tập trung triển khai thực hiện Hợp tác song phương giai đoạn 2015-2020. Trong đó, sẽ có những định hướng đầu tư dự án mới, đưa ra chiến lược thu hút đầu tư giữa Việt Nam và Lào, chọn trọng điểm đầu tư để phát huy lợi thế, thu hút nguồn lực. Đặc biệt, chú trọng các dự án chiến lược giao thông, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng …