Sáng 13/8, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra Phiên khai mạc Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019.
Diễn ra từ ngày 12/8 đến 15/8, Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 sẽ quy tụ gần 500 học giả từ khắp nơi trên thế giới đến Hà Nội để thảo luận về các vấn đề kinh tế của khu vực và những chủ đề mới trong kinh tế học.
PGS-TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu chào mừng Hội nghị |
Hội nghị do Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET) phối hợp cùng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEB) tổ chức. Đây là Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại châu Á và là hội nghị khu vực thứ 5 mà YSI tổ chức.
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, mục tiêu mà nhà trường mong muốn truyền tải thông qua việc tổ chức Hội nghị lần này đó là giúp các học giả, diễn giả, bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam và khẳng định rằng, đất nước Việt Nam là điểm đến để trao đổi tất cả các vấn đề khu vực, đặc biệt là châu Á.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội để trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN kết nối về chuyên môn cho các giảng viên, học giả, các bạn sinh viên… Việc tổ chức thành công Hội nghị sẽ khẳng định Đại học Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung đủ tầm vóc để trao đổi các vấn đề chuyên sâu của nền kinh tế khu vực cũng như của Việt Nam.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, nhiều ý tưởng mới xuất hiện trong hội nghị sẽ trở thành những kiến thức hữu ích mang tính cách mạng, mang lại nhiều hàm lượng tri thức cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế của toàn nhân loại, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại và đóng góp vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong rằng, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta mở ra các kết nối và hợp tác mới giữa các học giả toàn cầu trong cả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu”, PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.
PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại Hội nghị |
PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê bày tỏ, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành với YSI tổ chức các Hội nghị trong tương lai. Với vị thế top đầu cả nước của Đại học Quốc gia Hà Nội, việc tổ chức Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 thể hiện vai trò, trách nhiệm của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với khu vực và thế giới, qua đó đưa nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế châu Á nói chung gắn kết với kinh tế thế giới.
ông Jay Pocklington, Ban điều hành YSI khẳng định, Hội nghị là cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và truyền cảm hứng về kinh tế học |
Tại Hội nghị này, các học giả trong nước và quốc tế sẽ tham gia 9 cuộc thảo luận bàn tròn và 50 phiên thảo luận song song, xoay quanh các chủ đề (1) Tái thiết lập các công cụ nghiên cứu mạng lưới xã hội để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng; (2) Nhà nước và thị trường trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng ở châu Á; (3) Nền tảng cho hợp tác; (4) Năng lượng tái tạo: Nhu cầu năng lượng của khu vực Nam bán cầu; (5) “Kinh tế học” có trở thành thứ yếu trong định nghĩa về kinh tế phát triển không? Bài học từ quá khứ; (6) Những cơ hội và thách thức trong nghiên cứu đô thị liên ngành; (7) Chủ nghĩa Tây Trung và sự thiếu hụt tính đa nguyên trong kinh tế học như một ngành học không?; (8) Tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu: hàm ý cho các nền kinh tế đang phát triển; (9) Việt Nam và nền kinh tế số.
Đại diện YSI, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế chụp ảnh lưu niệm |
Đặc biệt, phiên thảo luận bàn tròn “Việt Nam và nền kinh tế số” với sự chủ trì của PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế sẽ tập trung vào các vấn đề như chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu, tương lai nền kinh tế số Việt Nam, ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số đến sự phát triển của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam và những hàm ý cho Chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động vô cùng to lớn từ các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là công nghệ. Riêng với Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, thông điệp mà nhà trường muốn gửi gắm qua nội dung này đó là dù công nghệ thế nào thì con người vẫn luôn giữ vai trò quan trọng.
“Có những người ứng dụng công nghệ 4.0 nhưng năng suất lao động chưa tốt. Có những tổ chức ứng dụng công nghệ 4.0 nhưng năng suất lao động chưa đạt đến kỳ vọng. Tuy nhiên, có những tổ chức mặc dù mới chỉ hướng tới 4.0 nhưng năng suất lao động rất cao. Đây là ý thức, tư tưởng của mỗi cá nhân khi đối diện với vấn đề này”, PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê nói.
Các học giả trao đổi tại Hội nghị |
Trao đổi bên lề Hội nghị, PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê cho biết, 3 cụm từ mà các học giả thế giới đánh giá về nền kinh tế Việt Nam khi trao đổi với ông đó là “nền kinh tế kiên nhẫn”, “nền kinh tế năng động” và “nền kinh tế có chính trị ổn định”.
“Kiên nhẫn đó là chúng ta đang hội nhập, tìm ra con đường đi nhanh nhất. Năng động là sự phát triển, tiếp nhận những cái mới rất nhanh. Trong khi đó, chính trị ổn định là yếu tố quyết định. 3 cụm từ này sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá”, PGS-TS. Nguyễn Trúc Lê nói.