Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với tên gọi Dak Nong UNESCO Global Geopark (Vietnam). Đắk Nông là địa phương thứ 3 của Việt Nam và thứ 164 trên thế giới có công viên địa chất được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”.
Tuy là thành viên “non trẻ” của mạng lưới nhưng Đắk Nông đã có sự chủ động hội nhập quốc tế, mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ, từ đó vinh dự được Ủy ban Hang động núi lửa thuộc Hiệp hội Hang động quốc tế thống nhất lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức ISV20 năm 2022. Sự kiện được UBND tỉnh Đắk Nông, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp chủ trì.
Diễn ra từ ngày 22-26/11, đây là lần đầu tiên ISV20 được chọn đăng cai tổ chức tại Việt Nam. Ngoài ra, sự kiện cũng là một chương trình đối ngoại quan trọng, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất với dấu vết của văn hóa người tiền sử, mang tầm quốc tế. Đồng thời, sự kiện còn thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của hệ thống hang động, văn hóa tiền sử và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh.
Phó chủ tịch tỉnh Đắc Nông Tôn Thị Hồng Hạnh tặng hoa cho các chuyên gia nước ngoài tham dự hội nghị |
Hội nghị ISV20 còn là sự kiện tỉnh Đắk Nông tổ chức chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất; đồng thời tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Buổi hội nghị có sự tham dự của 150 đại biểu từ trong nước và quốc tế, trong đó có ông John Brush, Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế và các thành viên Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cũng như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán một số quốc gia như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN, Italia, Tây Ban Nha, cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan.
Ngoài ra, tỉnh Đăk Nông còn tổ chức Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”vào sáng ngày 23/11, nhằm học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, nâng cao vị thế của tỉnh trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất.
ISV là hoạt động quan trọng nhất của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (gọi tắt là UIS-CVC) nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này. Được tổ chức 2 năm 1 lần, Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa và các kỳ Đại hội của UIS-CVC, UIS-CVC sẽ tổ chức họp Ban điều hành để bàn và biểu quyết các vấn đề quan trọng đối với các hoạt động của Hiệp hội trong những năm tiếp theo.