Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) . |
Sáng 28/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí.
Ông Hà cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021, tại Hà Nội với 1.590 đại biểu, tăng 80 người so với Đại hội XII. Trong số này có 194 đại biểu đương nhiên, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu chỉ định.
Sau khi hệ thống những nội dung đáng chú ý của cả 14 hội nghị của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, ông Hà nhấn mạnh, tại hội nghị Trung ương 15 (dự kiến diễn ra ngày 15/1/2021), Bộ Chính trị sẽ báo cáo các "trường hợp đặc biệt" để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng.
Vị chuyên gia về công tác xây dựng Đảng cũng điểm lại, Hội nghị Trung uơng 9 là hội nghị đột xuất để quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Lần này quy hoạch chặt chẽ kỹ lưỡng hơn theo quy trình 5 bước, được 220 người, giảm gần 300 người so với quy hoạch khoá XII, ông Hà thông tin.
Về quy trình công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, các cơ quan sẽ chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương trước (bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tại hội nghị Trung ương 13, tháng 10/2020), sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư (bỏ phiếu biểu quyết tại hội nghị Trung ương 14, tháng 12/2020). Nhân sự các chức danh chủ chốt (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) và "trường hợp đặc biệt" chuẩn bị sau cùng.
Nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa mới cơ cấu 3 độ tuổi để đảm bảo kế thừa. Trong đó, nhân sự tham gia Trung ương lần đầu cố gắng bảo đảm tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (không quá 55 tuổi), nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi; "trường hợp đặt biệt" là nhân sự trên 65 tuổi.
Những "trường hợp đặc biệt" cần tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo ông Hà sẽ được Bộ Chính trị cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, trước khi trình Ban chấp hành Trung ương xem xét quyết định, và sau đó Đại hội sẽ quyết định cuối cùng.