Thị trường hồi phục nhưng lực cầu vẫn yếu phản ánh đa phần nhà đầu tư tỏ ra thận trọng ở nhịp hồi phục và vẫn lựa chọn quan sát. Sự thận trọng tiếp tục diễn ra từ đầu phiên khiến VN-Index biến động với biên độ quanh mốc tham chiếu với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen nhau. Sau khoảng 11h, giao dịch trở nên tiêu cực hơn với lực cầu yếu ớt trong khi áp lực cung cổ phiếu có phần dâng cao. Khá nhiều nhà đầu tư lo ngại áp lực sẽ diễn ra ở phiên chiều khi lượng hàng bắt đáy hôm 19/4 về tài khoản.
Diễn biến phiên chiều cho thấy phiên hồi phục trước đó thật sự “mong manh”. Áp lực bán dâng cao trong khi lực cầu yếu đã khiến nhiều nhóm ngành cổ phiếu lao dốc trong buổi chiều, như chứng khoán, thép, bất động sản.
Ở nhóm cổ phiếu thép, NKG bất ngờ bị bán xuống mức giá kịch sàn 21.300 đồng/cp và khớp lệnh hơn 8,1 triệu đơn vị. Cổ phiếu này bị bán mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư vốn đang rất yếu lại trở nên tiêu cực hơn và lan rộng đến nhiều cổ phiếu khác nhóm ngành thép. Cũng ở nhóm thép, HSG giảm 3,5%, HPG giảm 1,4%, VGS giảm 6,9%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có phiên “trả điểm” sau khi bứt phá rất mạnh ở ngày hôm qua. CTS giảm đến 5,5%, VCI giảm 3,6%, SHS giảm 2,7%. AGR gây bất ngờ khi giảm xuống mức giá sàn.
Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục gây áp lực rất lớn lên thị trường chung. PDR giảm đến 5,1%, CEO giảm 4,9%, DIG giảm 4,6%, TCH giảm 4,3%...
Tại nhóm cổ phiếu lớn, VHM giảm đến 3% và gây áp lực lớn nhất lên VN-Index khi mất 1,33 điểm. Tiếp sau đó, GVR cũng giảm 3,8% và lấy đi 1,08 điểm. Các mã như BID, CTG, VIC, MBB hay BCM cũng đồng loạt giảm.
Ở chiều ngược lại, TCB là mã có đóng góp lớn nhất trong việc nâng đỡ VN-Index, cổ phiếu tăng tăng 2,1% và đóng góp 0,82 điểm nhờ thông tin tích cực từ kết quả lợi nhuận. Ngân hàng này mới công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023.
TCB và FPT đi ngược dòng và là cổ phiếu đóng góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index trong phiên giảm ngày 23/4 |
Cùng với đó, các mã như FPT, MWG, VPB, LPB… cũng giao dịch tích cực và phần nào nâng đỡ thị trường chung. FPT tăng 1,8%. Mới đây, Nvidia và FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory với hệ thống siêu máy tính sử dụng GPU H100 dành cho nghiên cứu và phát triển.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 12,82 điểm (-1,08%) xuống 1.177,4 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 360 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,67 điểm (-1,19%) xuống 222,63 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 109 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,58%) xuống 87,51 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 778 triệu cổ phiếu, trị giá 17.489 tỷ đồng, tăng 10% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1.898 tỷ đồng. Trong đó, EIB thỏa thuận 60,92 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.044 tỷ đồng.
Cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường thuộc về MBB với gần 32 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, SHB và DIG khớp lệnh lần lượt 31 triệu đơn vị và 22,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại nối dài chuỗi 3 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng ngày càng tăn.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên 23/4 |
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng ngày thứ 2 liên tiếp với giá trị hhown 284 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng 292 tỷ đồng trên HoSE. Cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh nhất với 177 tỷ đồng. DIG và MSN đều bị bán ròng trên 50 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất với 103 tỷ đồng. MWG cũng được mua ròng gần 91 tỷ đồng.