Thời sự
Hội thảo quốc tế "Sự biến đổi của thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu"
Kỳ Thành - 27/09/2019 01:13
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Minnesota (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan) và Đại học Ngoại thương Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo quốc tế "Sự biến đổi của thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu" (“The dynamics of international trade and global supply chains).
TIN LIÊN QUAN
Toàn cảnh Hội thảo

Đây là Hội thảo lần thứ 6 thuộc Chuỗi hội thảo thường kỳ về hội nhập kinh tế quốc tế (Conference on International Economic Cooperation and Integration, viết tắt là CIECI) được khởi xướng từ năm 2013 do nhóm nghiên cứu mạnh về Hội nhập Kinh tế quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thực hiện.

Nhóm nghiên cứu do PGS.TS.Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm Trưởng nhóm và PGS.TS.Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm Phó trưởng nhóm cùng với các thành viên đến từ khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế khẳng định, "Hội thảo CIECI 2019 là cơ hội tốt để Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Ngoại thương Hà Nội trao đổi chuyên môn và thảo luận về cơ hội phối hợp với nhau, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác với những trường đại học trên thế giới đến từ Hoa Kỳ và Đài Loan".

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo năm nay tập trung vào các vấn đề thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, siết chặt điều kiện tài chính toàn cầu và sự phát triển nền kinh số, kinh tế tuần hoàn… Trải qua hơn 3 tháng chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết chất lượng tập trung 5 nhóm chủ đề chính: (1) Bối cảnh kinh tế vĩ mô và tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế; (2) Sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới, sự tham gia của ASEAN và Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; (3) Sự thay đổi của của thương mại quốc tế trong bối cảnh mới; (4) Hợp tác kinh tế quốc tế giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN và (5) Quản trị doanh nghiệp và vấn đề năng lượng trong bối cảnh mới.

Trong phiên toàn thể, đại biểu được nghe 4 bài trình bày của đại diện 4 trường đại học đồng tổ chức sự kiện. Trong bài “Triển vọng kinh tế vĩ mô và chuỗi giá trị toàn cầu” (Global Macroeconomic Outlook and Global Value Chain), PGS.TS.Ariuna Taivan -  Khoa Kinh tế - Đại học Minnesota Duluth đã trình bày tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới cũng như một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và Châu Á; xu hướng thương mại và thị trường tài chính toàn cầu, xu hướng phát triển tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Tác giả cũng phân tích cũng phân tích một số nhân tố ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu như sự thay đổi công nghệ, sự thắt chặt thuế khoá và thương mại, chi phí môi trường, tăng chi phí lao động.

Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN mang chủ đề “Chuyển đổi số và thương mại ở Châu Á” (Digital transformation and trade in Asia) cung cấp những thông tin hữu ích về xu hướng chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu và đánh giá ảnh hưởng của xu hướng này với chi phí và mô thức thương mại ở khu vực châu Á.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu trình bày tham luận về chuyển đổi số và thương mại ở Châu Á

Đại diện cho Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), GS. Robin K. Chou, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính đã phân tích những ảnh hưởng của văn hoá quốc gia đối với việc tăng trưởng tài sản của công ty trong bài trình bày “Tác động của văn hoá quốc gia đến tăng trưởng tài sản: Nhìn từ giả thuyết đầu tư quá mức” (National Culture and the Asset Growth Effect: Insights from the Overinvestment Hypothesis). Ông cho rằng tăng trưởng tài sản của công ty sẽ cao hơn ở những quốc gia đề cao chủ nghĩa cá nhân và có mức độ lảng tránh rủi ro thấp.

PGS.TS.Từ Thuý Anh, Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội lại đi vào phân tích một khía cạnh mà các nhà hoạch định chính sách và học giả đều quan tâm là môi trường. Trong bài thuyết trình “Quản lý môi trường của các doanh nghiệp Việt Nam: Biện pháp đo lường và nhân tố quyết định” (Environmental Management of Vietnamese Firms: Measurement and Determinants), bà Từ Thuý Anh đã đưa ra những chỉ số đánh giá hiệu quả về mặt môi trường của doanh nghiệp Việt Nam và các nhân tố ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả môi trường của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian, dù mức độ cải thiện vẫn còn thấp. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy áp lực từ cộng đồng và người tiêu dùng đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Đông thời, các doanh nghiệp với quy mô lớn và có yếu tố nước ngoài sẽ tích cực hơn trong việc đưa ra những sáng kiến môi trường.

Buổi chiều, các đại biểu chia thành 2 phiên để thảo luận: Phiên 1 - Hợp tác kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu và Phiên 2 - Quản trị doanh nghiệp và các vấn đề về năng lượng. Trong hai phiên này, các đại biểu được nghe 12 bài trình bày trong đó có 3 bài đến từ Đại học Minnesota, Duluth (Hoa Kỳ), 3 bài đến từ Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), 3 bài đến từ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2 bài đến từ Đại học Ngoại thương Hà Nội và 1 bài của nhóm tác giả đến từ ĐH RMIT Việt Nam. Các bài thuyết trình thể hiện kết quả nghiên cứu của các tác giả về nhiều vấn đề thu hút sự quan tâm hiện nay như hợp tác kinh tế của các quốc gia ASEAN, vị trí của ASEAN và Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thực trạng hoạt động của một số ngành như logistics và thương mại điện tử, chiến lược gia nhập thị trường nước ngoài của doanh nghiệp, chính sách tỉ giá hối đoái, trách nhiệm doanh nghiệp xã hội, và một số vấn đề hợp tác về quản lý năng lượng…

Tin liên quan
Tin khác