Thực tế, các khuyến nghị này đã được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển chia sẻ với Việt Nam trong 20 năm qua.
| ||
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra ngày 3/12/2013 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
Nhưng năm nay, lần đầu tiên VDPF được tổ chức (thay thế Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam), với trọng tâm là đối thoại chính sách, thì nhiều kỳ vọng đã được đặt ra. Rằng những khuyến nghị chính sách đó sẽ được đề cập và thảo luận một cách dân chủ, minh bạch, sâu sắc và hiệu quả hơn giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các đối tác phát triển, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Hôm qua, khi VBF diễn ra, không ngoài dự đoán, những hối thúc cải cách tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đặt lên bàn nghị sự. Không chỉ là những đòi hỏi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hay tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà những kiến nghị này đã đề cập những vấn đề cụ thể.
Đó là đầu tư mở rộng, nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng trong nước…
Trong khi đó, với chủ đề thảo luận tổng quát “Duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, đối thoại chính sách tại VDPF ngày mai sẽ đề cập những vấn đề cốt lõi và vĩ mô hơn đối với nền kinh tế, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Đối thoại chính sách tại VDPF cũng sẽ cụ thể và hiệu quả hơn, khi hai nhóm chủ đề chính là giảm nghèo, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công… được đưa ra thảo luận.
Tất cả là nhằm hướng đến việc “xây dựng quan hệ đối tác mới: hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện”, định hướng chung của VDPF 2013.
Tuy vậy, cũng cần phải nhắc lại rằng, các khuyến nghị chính sách, dù tại VBF hay VDPF, đều đã và sẽ không phải là quá mới mẻ. Vẫn là những câu chuyện cũ, mà hiện vẫn nguyên tính thời sự. Và rằng, dù không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua liên quan đến việc thực hiện các khuyến nghị cải cách của cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển, đặc biệt trong ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, song cũng phải thừa nhận, các bước đi cải cách còn có phần chậm chạp.
Bởi thế, khi nền kinh tế Việt Nam được cho là đang ở ranh giới giữa ngưng trệ và phát triển, thì việc đi từ “chương trình” tới “hành động” là vô cùng cần thiết.
Một giai đoạn cải cách mới phải được bắt đầu ngay từ bây giờ, với những hành động quyết liệt và triệt để, nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, khôi phục và tiếp tục xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư và các đối tác phát triển.
Đối thoại chính sách, dù sâu sắc đến đâu, sẽ chỉ có ý nghĩa khi đi kèm đó là hành động.
Hà Nguyễn