TIN LIÊN QUAN | |
Ngân hàng lo niêm yết mất nhiều hơn được | |
Ngân hàng “quét” nợ xấu trước khi áp chuẩn mới | |
Ép lên sàn để “bóc” sở hữu chéo |
Theo văn bản trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đồng thời theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các đơn vị trên địa bàn; kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc NHNN các biện pháp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
SCB là một trong 26 ngân hàng TMCP đại chúng chưa niêm yết |
Đây không phải là lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đưa ra yêu cầu niêm yết cổ phiếu đối với các ngân hàng thương mại. Trước đó, cuối năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước cũng đã đã hối thúc các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo. Đến tháng 7/2014, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, tất cả ngân hàng thương mại phải niêm yết.
Hiện tại, trong số các ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng chưa niêm yết, Nam A Bank đã đáp ứng đủ điều kiện lên sàn và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng sẽ xin ý kiến các cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, dự kiến thời gian niêm yết chậm nhất là tháng 6/2015.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là kế hoạch, còn tiến trình hoàn tất thủ tục thường mất khá nhiều thời gian. Mặt khác, các ngân hàng cũng luôn xem xét hoàn cảnh thị trường trước khi chính thức đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thực tế, 1 - 2 năm trước, khá nhiều ngân hàng từng có ý định lên niêm yết, nhưng không mấy chuyển biến, với lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác. Chẳng hạn, DongA Bank nhiều lần cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu và kế hoạch này đã được trình đại hội đồng cổ đông thông qua. Tuy nhiên, do xảy ra khủng hoảng và thị trường chứng khoán sụt giảm, nên DongA Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn.
HDBank cũng có kế hoạch lên sàn HOSE cách đây vài năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện, do thị trường chứng khoán sụt giảm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là cần thiết để minh bạch hoá hoạt động cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng, bởi niêm yết mà cổ phiếu không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư thì coi như không thành công.
Trên thực tế, việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay là khá bất lợi, do thị trường còn nhiều khó khăn. Do vậy, theo lãnh đạo các nhà băng, việc hối thúc niêm yết cổ phiếu trên sàn là cần thiết, nhưng không dễ thực hiện trong năm 2015.
Thùy Vinh