Một cơ sở của Công ty TNHH Bosch Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn |
Sớm có biện pháp hỗ trợ đầu tư bổ sung
Ít ngày trước đây, Tập đoàn bán dẫn Lam Research (Mỹ) đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Karthik Rammohan, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research (Mỹ) cho biết, Lam Research có định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á.
Riêng tại Việt Nam, Lam Research dự kiến hợp tác với Công ty Seojin (hiện có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, với vốn đầu tư 1-2 tỷ USD trong giai đoạn I. Sau giai đoạn I, Lam Research có thể đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Thông tin này ngay lập tức nhận được sự chú ý của dư luận, khi thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn bày tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu Lam Research có quyết định lựa chọn Việt Nam hay không?
Trong cuộc làm việc với các cơ quan chức năng, cũng như trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ, một trong những vấn đề mà Lam Research quan tâm là những chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam như thế nào? Điều này có lẽ là rất quan trọng đối với không chỉ riêng lĩnh vực bán dẫn, mà với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhất là trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ năm 2024.
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây, các doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng bày tỏ mối quan tâm đến việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Việt Nam.
Đây cũng là chủ đề được đề cập rất nhiều tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2024, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đánh giá cao việc Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, song ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho rằng, mức hỗ trợ trong Dự thảo là chưa rõ ràng. “Chính phủ Việt Nam cần phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hong Sun đề nghị.
Trong khi đó, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thẳng thắn bày tỏ, Chính phủ Việt Nam cần tận dụng cơ hội mà Trụ cột 2 (thuế tối thiểu toàn cầu - PV) mang lại để tiến hành đánh giá toàn diện các ưu đãi thuế hiện hành.
“Điều này bao gồm nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của thuế suất tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai, đồng thời xem xét những giải pháp thiết thực và hiệu quả để đảm bảo khuyến khích đầu tư vào đúng những dự án trọng điểm và cần khuyến khích, để việc áp dụng Trụ cột 2 không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và vẫn đảm bảo đáp ứng quy định và cam kết của Việt Nam trong Trụ cột 2”, ông Gabor Fluit đề nghị.
Đề nghị mở rộng đối tượng hưởng lợi
Một thông tin đáng chú ý trong những ngày gần đây là việc Chính phủ Mỹ có kế hoạch chi 6 tỷ USD để hỗ trợ Samsung nhằm thúc đẩy tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Mỹ. Samsung Electronics đang triển khai một dự án trị giá 17,3 tỷ USD ở Texas.
Nhưng không chỉ với riêng Samsung, mà Chính phủ Mỹ, căn cứ theo Luật Chip và Khoa học, còn đang sẵn sàng hỗ trợ hàng tỷ USD cho TSMC (Đài Loan) và Intel nhằm khuyến khích các doanh nghiệp này sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ.
- Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham)
Trước đó, Đức, Ba Lan, Israel đã quyết định hỗ trợ “khủng” cho Intel, còn Nhật Bản cũng dành nguồn lực không nhỏ để hỗ trợ cho TSMC… Tất cả để có được thắng lợi trong cuộc đua giành lại nguồn lực đầu tư lớn, nhất là trong các lĩnh vực chip bán dẫn, công nghệ cao. Không chỉ các nước nhận đầu tư như Việt Nam, mà cả các cường quốc vốn là nước xuất khẩu đầu tư, cũng đang sẵn sàng trong cuộc đua này. Thậm chí, họ “chơi lớn” hơn, khi sẵn sàng chi bộn tiền cho các dự án quy mô lớn.
Thực tế này đang đặt Việt Nam vào thế khó, nếu muốn tiếp tục thu hút mới, cũng như giữ chân được các nhà đầu tư lớn. Đó cũng chính là lý do khi xây dựng Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên đề xuất việc hỗ trợ bằng tiền, áp dụng cho 5 nhóm chi phí, bao gồm chi phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chi phí R&D; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.
“Những ưu đãi dựa trên chi tiêu như vậy có thể làm tăng khả năng tạo ra đầu tư bổ sung vì chúng nhắm trực tiếp vào chi phí đầu tư”, ông Gabor Fluit bày tỏ sự đồng tình.
Tuy vậy, theo ông Hong Sun, hiện tại, theo Dự thảo Nghị định, đối tượng nhận hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên, do vậy, gây ra lo ngại về việc số doanh nghiệp có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi.
“Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại do quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất - kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam theo doanh nghiệp đó, nên cuối cùng, sẽ gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam”, ông Hong Sun nói.
Có cùng quan điểm, ông Seck Yee Chung, khi đại diện cho nhóm các thành viên liên kết phát biểu tại VBF cũng cho rằng, đối tượng ưu đãi trong Dự thảo còn quá hẹp.
“Với điều kiện về quy mô vốn hoặc doanh thu rất cao, dẫn đến chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao có thể đạt được”, ông Seck Yee Chung nói và đề xuất rằng, nên bổ sung đối tượng là doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao; còn nếu là trong lĩnh vực công nghệ cao, thì nên xem xét nhà đầu tư là tập đoàn lớn, có vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng, hoặc từ 1 tỷ USD trở lên, thay vì xét theo từng doanh nghiệp hoặc từng dự án.
Theo ông Seck Yee Chung, hàng loạt nước đang nỗ lực nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư rất đa dạng. Ví dụ, Mỹ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ hàng trăm tỷ USD nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên. Singapore cũng đưa ra chính sách giảm trừ đầu tư có thể hoàn lại hỗ trợ đến 50% đối với các khoản chi phí đáp ứng điều kiện.
“Việt Nam có thể nghiên cứu và tham khảo các chính sách này trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ”, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh.