Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu đưa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trở thành “cái nôi” của khởi nghiệp toàn cầu. Ảnh: S.T |
Áp lực cạnh tranh từ Thái Lan
Không phải ngẫu nhiên mà cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 3 bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công thương nghiên cứu thông tin “Thái Lan khai trương trung tâm công nghệ cao lớn nhất Đông Nam Á”.
Khu công nghệ cao này chính là True Digital Park, có diện tích hơn 200.000 m2, do Tập đoàn Charoen Pokphand (Tập đoàn CP, Thái Lan) đầu tư. Điều quan trọng, trung tâm này cũng có tham vọng trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới công nghệ trong khu vực và thế giới. Tầm nhìn của True Digital Park là trở thành “Một mái nhà mở ra mọi khả năng”.
Hiện tại, thông tin cho biết, True Digital Park đang hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ, các công ty công nghệ toàn cầu để phát triển Trung tâm, cũng như tạo thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp tới đặt “bản doanh” ở đây và kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ mạo hiểm…, qua đó hình thành hệ sinh khái khởi nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế số của Thái Lan.
“So kè” về mục tiêu, có lẽ True Digital Park không có nhiều khác biệt so với NIC. Cái khác chỉ là NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, nghĩa là về ý nghĩa, quy mô và tầm nhìn sẽ lớn hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, với sự hậu thuẫn của Chính phủ Thái Lan, True Digital Park đã thu hút được 4.500 nhân viên công nghệ làm việc trong các tòa nhà. Việc đầu tư giai đoạn II của Dự án cũng đã được Tập đoàn CP lên kế hoạch và sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm tới, với số vốn khoảng 600 triệu baht.
Trong khi đó, theo kế hoạch, nếu mọi việc suôn sẻ, phải tới cuối năm nay, NIC mới có thể bắt đầu việc triển khai xây dựng và cuối năm tới mới có thể đi vào hoạt động. Trong mục tiêu được nhắc tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh mục đích đưa NIC trở thành “cái nôi” của khởi nghiệp toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh, NIC sẽ là “cuộc chơi” của Việt Nam ở tầm quốc tế trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. NIC sẽ là nơi thể nghiệm thể chế, mô hình kinh doanh mới, là một trong những yếu tố cốt lõi để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, qua đó thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế Việt Nam sang dựa vào đổi mới sáng tạo.
“Chúng ta cần phải triển khai nhanh, làm sao khả thi và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.
Nhiều quan điểm của các chuyên gia cũng cho rằng, nếu muốn bắt nhanh với cách mạng công nghiệp 4.0, thì Việt Nam cũng cần nhanh chóng xây dựng NIC. Khi đề án về việc thành lập NIC mới được đề xuất, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan ngại về áp lực cạnh tranh với các trung tâm khác trên toàn cầu, nhất là trong khu vực, ở Singapore, ở Hàn Quốc. Nay, một trung tâm được mở mới tại Thái Lan sẽ khiến cuộc đua thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tầm cỡ trong lĩnh vực công nghệ trở nên gay cấn hơn.
Cần sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp
Ngay từ ban đầu, theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, song việc đầu tư xây dựng Trung tâm sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Tương tự, việc quản lý, vận hành NIC cũng sẽ được giao cho khu vực tư nhân thực hiện, để đảm bảo quyền chủ động và hiệu quả. Bởi thế, sự “góp sức” của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước là rất quan trọng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, đã có Tập đoàn SK cam kết hỗ trợ 30 triệu USD cho việc xây dựng NIC. Trong khi đó, tổng nguồn vốn cần có để đầu tư hạ tầng cho Trung tâm khoảng 74 triệu USD.
Phần còn lại sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. “Hiện rất nhiều doanh nghiệp quan tâm việc xây dựng NIC”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhiều lần tới Singapore, Đức… để “xúc tiến đầu tư” cho NIC. Cùng với NIC, việc thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng được Bộ trưởng “xúc tiến”. Hiện đã có một văn phòng của Mạng lưới được thành lập tại Đức. Hai văn phòng khác đang chuẩn bị được thành lập tại Thung lũng Silicon và Boston (Mỹ).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính các doanh nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho việc thành lập các văn phòng của Mạng lưới. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục kêu gọi sự “chung tay góp sức” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng cơ sở chưa phải là tất cả. Điều quan trọng là phải kêu gọi được các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đầu tư và thiết lập văn phòng tại NIC.
Để làm được điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều thể chế, chính sách vượt trội, để không chỉ thu hút nhà đầu tư, mà còn thu hút cả nhân tài vào đây làm việc.
Để đảm bảo cho sự thành công của NIC, rõ ràng, không chỉ cần sớm xây dựng, mà cũng cần sớm ban hành các thể chế, chính sách quan trọng để NIC gia tăng “lực hấp dẫn”.
NIC hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, NIC là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Trung tâm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Đồng thời, Bộ sẽ thực hiện việc xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật.