Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn sáng nay (6/9), đại diện một số ngân hàng thương mại nhà nước cho biết vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hôm nay hoặc ngày mai (7/9), cơ quan này sẽ có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại về nội dung này.
Cuối tháng 8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất tuần cuối tháng 8/2022 sẽ phân bổ room tín dụng còn lại trong tổng room tín dụng 14% cho các nhà băng, song đến nay room tín dụng vẫn chưa được cấp.
Theo nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, cơ sở điều chỉnh room tín dụng đợt này của Ngân hàng Nhà nước vẫn dựa trên "đơn" xin nới room của ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém (hiện Vietcombank và MB đã có phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% nhưng không giao hết chỉ tiêu 14% mà chỉ giao khoảng 11,5% room.
Theo FiinGroup, phần còn lại (khoảng 3,5%) sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng dựa trên ba yếu tố: Có hệ số an toàn vốn cao; Có tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực bất động sản thấp; Có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp và hỗ trợ các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tính đến 30/6/2022, tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 10,1% so với đầu năm nay, cao hơn mức 7,3% của năm 2021 và 4,2% của năm 2020 nhờ tín dụng phục hồi sau dịch Covid-19 và và nền thấp của năm 2021. Tính riêng trong quý II/2022, dư nợ cho vay khách hàng của khối ngân hàng niêm yết tăng 3,6% so với quý trước trong khi trái phiếu doanh nghiệp giảm -7,4%.
Hiện đa phần các ngân hàng đã sử dụng hết room được cấp, cho thấy bức tranh tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm có thể rất khác biệt với nửa đầu năm. Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt tới.
Hiện tại, các ngân hàng trong “tầm ngắm” nới room cao nhất là Vietcombank, MB, BIDV, Agribank, VietinBank, ACB, VPBank…
Trước đó, từ tháng 4/2022, một số ngân hàng đã có hiện tượng giãn, hoãn giải ngân cho vay mới với khách hàng. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là lãi suất cho vay mua nhà.
Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%.
"|Áp lực nới room tín dụng đang mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng”, chuyên gia của VDSC nhận định.
Theo VDSC, từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm thường cao hơn so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh ngay từ đầu năm.