Phí cao, bảo mật kém, vì sao thẻ tín dụng quốc tế vẫn “đắt khách” tại Việt Nam?
Chi tiêu qua thẻ tín dụng đang trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng quốc tế (phổ biến là Visa và Mastercard) với lãi suất và phí đắt đỏ.
Theo lý giải của các ngân hàng thương mại, sở dĩ mức lãi suất và phí áo dụng thẻ quốc tế cao là do các tổ chức thẻ quốc tế này áp dụng “ma trận thu phí” với nhiều loại phí chồng phí.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, trung bình mỗi năm, Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD.
Có nhiều giao dịch, Visa và Mastercarrd thu phí chồng phí. Ví dụ, trong cơ cấu phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng. Song với loại phí này, các tổ chức thẻ quốc tế vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch. Với mỗi giao dịch thẻ, tổ chức thẻ quốc tế có thể thu 3-4 loại phí.
Mặc dù thu phí cao song bảo mật của thẻ tín dụng quốc tế lại được đánh giá là kém hơn nhiều so với thẻ tín dụng nội địa.
Trước gánh nặng phí quá lớn, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại trong nước đã phát triển thẻ tín dụng nội địa với mức phí thấp và tính bảo mật cao. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng thì đến tháng 6/2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa chỉ đạt gần 600 nghìn thẻ, chiếm 7% so với thẻ tín dụng quốc tế và chưa đến 0,5% so với dung lượng 110-120 triệu thẻ các loại trên thị trường.
Ông Phạm Trường Giang, Phó trưởng Phòng phụ trách phòng phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước) cho hay, hiện có 12 tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng nội địa gồm 9 ngân hàng và 3 công ty tài chính.
Để thẻ tín dụng nội địa đến với đông đảo người dân, ông Giang cho rằng, các ngân hàng cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu đến người dân. Đồng thời, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, Napas hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ, đặc biệt là các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng là đưa ra sản phẩm thẻ tín dụng nội địa dựa trên nền tảng thẻ chip. Chương trình này mới đưa vào từ đầu tháng 1/2021. Đến thời điểm này đã có 600 nghìn thẻ đã được phát hành.
Mục tiêu mà Napas và các tổ chức phát hành thẻ nội địa đặt ra khi phát triển thẻ tín dụng nội địa là hướng đến tài chính toàn diện và tạo ra kênh tiếp cận nguồn vốn cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.
Rất nhiều thẻ tín dụng nội địa trên thị trường có ưu đãi vượt bậc so với thẻ tín dụng quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận, đơn cử như thẻ Lộc Việt của Agirbank. Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho hay, từ đầu năm 2022, Agribank chính thức triển khai mở rộng sản phẩm thẻ tín dụng Lộc Việt ra thị trường, tích hợp thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trên cùng một con chip. Khách hàng được miễn lãi đến 55 ngày, lãi suất chỉ 13%/năm, cạnh tranh nhất thị trường.
Theo đại diện của Napas, ưu điểm của thẻ tín dụng nội địa là giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các tiêu dùng cá nhân, đặc biệt đối với cách người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình. Đồng thời, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Đặc biệt, vay lãi do các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi lên tới 60 ngày. Theo tôi đây là những ưu điểm để khuyến khích người dân để phát hành thẻ tín dụng nội địa này.
Bên cạnh chi tiêu qua thẻ, tại 350.000 điểm chấp nhận thẻ, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn có thể rút tiền trên 20.000 mạng lưới ATM của napas hợp tác với các ngân hàng.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, song thẻ tín dụng nội địa chưa phát triển mạnh, theo một số chuyên gia là do hạn mức thấp. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chấp nhận thẻ vẫn chuộng thẻ tín dụng quốc tế vì do được trả phí cao.
Do đó, để phát triển thẻ tín dụng nội địa, bên cạnh tăng quảng bá, giới thiệu tới người dân, ông Phạm Trường Giang cho rằng, Napas cần phối hợp với tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ để có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị chấp hành thẻ để mở rộng mạng lưới, giúp các điểm chấp nhận thẻ hiểu lợi ích của mình như trả phí thấp hơn so với thẻ quốc tế và khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa ở chỗ bán hàng của mình.Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần cải tiến quy trình mở thẻ làm sao cho đơn giản, nhanh chóng và mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán giúp người dân chi tiêu, thanh toán dễ dàng.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Hà cho rằng, việc mở tài khoản, đăng kí phát hành thẻ có thể trực tuyến... hiện nay rất dễ dàng. Tuy nhiên, riêng với phần cho vay online thì vẫn vướng bởi quy định của Thông tư 39/2016/TT-NHN. Theo đó, trước khi cho vay, phải lập phương án sản xuất kinh doanh, phải thẩm định. Khi kí hợp đồng vay vốn xong, ngân hàng phải đi kiểm tra sử dụng vốn vay, phải có biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay và rất nhiều các thủ tục rất phức tạp. Đối với những khoản vay nhỏ lẻ ví dụ như cho vay thấu chi hoặc cho vay thẻ tín dụng với hạn mức nhỏ cho vay tiêu dùng vẫn phải tuân thủ theo Thông tư 39 thực sự là một vướng mắc cho đối với ngân hàng nói chung và cũng gây khó khăn cho khách hàng.
Vì vậy, Agribank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có những quy định riêng về đối với cho vay tiêu dùng, đặc biệt những khoản cho vay thấu chi qua thể để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và khách hàng.
Lộ trình tăng lãi suất của Fed gây áp lực lên tỷ giá
Trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9, giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất USD lần thứ 5 trong năm nay, với mức tăng không dưới 0,75%. Điều này được cho là khó tránh gây áp lực lên tỷ giá.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell tuy không đưa ra mức tăng lãi suất USD cụ thể, nhưng khẳng định tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát Mỹ đang ở mức 8-9%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters cho thấy, Fed có thể nâng lãi suất thêm 50 - 75 điểm cơ bản, trong bối cảnh triển vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.
Ở diễn biến mới nhất, một loạt quan chức Fed đưa ra tín hiệu rằng, ngân hàng trung ương này khó có khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất, do lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. 61% nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, dù hầu hết vẫn đang chờ đợi những tín hiệu từ Fed. Điều này đã tác động tích cực lên sức khỏe của USD khi tăng lên trên 109 điểm.
Ngoài tác động từ lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, yếu tố ảnh hưởng lớn đến USD trên thị trường quốc tế gần đây có lẽ còn đến từ các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào USD như một tài sản an toàn. Cụ thể, sau gần 3 năm rút quân khỏi Syria, hôm 23/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ hạ lệnh không kích các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria để bảo vệ lực lượng của Mỹ.
USD trên thế giới tăng, thì cung cầu ngoại tệ trong nước cũng có dấu hiệu mất cân bằng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ra ngoại tệ để ổn định tâm lý thị trường.
Đà tăng trở lại của USD trên thị trường quốc tế rõ ràng đã có phần ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến tỷ giá trong nước. Chỉ số USD Index sau khi điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng 7 và gần nửa đầu tháng 8/2022, nay đã tăng 4%. Đây là đỉnh cao mà chỉ số này đạt được từ đầu năm đến nay và cũng là vùng giao dịch cao nhất ghi nhận được trong hơn hai thập niên trở lại đây.
Thế nhưng, trong khi hầu hết các đồng tiền khác giảm giá mạnh so với USD (tính từ đầu năm đến nay, EUR mất giá hơn 12% so với USD), thì VND mất giá không đáng kể so với USD, phần lớn nhờ các chính sách quản lý, biện pháp hỗ trợ, can thiệp của nhà điều hành. Tỷ giá trung tâm đến sáng 29/8 ở mức 23.211 đồng/USD, chỉ tăng 88 đồng, tương ứng tăng chưa tới 1% so với đầu năm nay. Nhưng so với đầu năm nay, giá giao dịch USD tại các ngân hàng đã tăng đến 3%.
Điều này cũng khiến hàng hóa xuất khẩu trong nước giảm bớt lợi thế cạnh tranh so với các nước khác. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2022, xuất khẩu đạt 15,13 tỷ USD, giảm khoảng 7% so với nửa cuối tháng 7; nhập khẩu đạt 15,24 tỷ USD, tăng 7,8% so với nửa cuối tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, dù tính chung từ đầu năm đến ngày 15/8/2022, cả nước vẫn xuất siêu 1,39 tỷ USD.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân thực tế tại Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 12,8 tỷ USD, vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, phần nào giúp cân bằng lại cung cầu ngoại tệ trong nước.
Về hoạt động du lịch, 8 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,44 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch. Hoạt động du lịch dần hồi phục cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung ngoại tệ, góp phần giảm bớt sức ép lên tỷ giá.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ việc các nước phát triển thắt chặt tiền tệ, trong đó có Mỹ. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó với xu hướng Fed tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022, bởi lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa của nước ngoài
Tài khóa cần thắt chặt hay nới lỏng?
Tài khóa không chỉ là kết quả của sản xuất, kinh doanh, mà còn là một trong những quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng. Vậy nên thắt chặt hay nới lỏng chính sách tài khóa.
Bội thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm 2022 là kết quả tích cực hiếm thấy so với cùng kỳ và cả năm trong nhiều năm qua và đây là biểu hiện của chính sách tài khóa thắt chặt.
Việc thắt chặt chính sách tài khóa không phải không có lý do. Lý do lớn nhất là góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bởi tài khóa (cùng với tiền tệ) là yếu tố tiềm ẩn, đồng thời là lý do trực tiếp của lạm phát, tiền tệ và tài khóa đều liên quan đến tiền - mà tiền tệ là biểu hiện của giá và giá làm cho tiền giảm giá nhiều hay ít. Việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, trực tiếp tác động đến nhu cầu hàng ngày, mức sống thực tế của chủ thể đông nhất trên thị trường là người tiêu dùng, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp…
Tuy nhiên, việc thắt chặt tài khóa (cùng với việc tăng không cao hơn bao nhiêu so với 2 năm trước của dư nợ tín dụng) cần được xem xét bởi nhiều lý do. CPI bình quân 7 tháng so với cùng kỳ năm trước mới ở mức 2,54% - còn thấp xa so với mục tiêu cả năm (khoảng 4%) và thấp xa so với CPI tương ứng của nhiều nước trên thế giới. Nhập khẩu lạm phát tiếp tục tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, làm tăng giá sản xuất cao hơn CPI.
Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tạm dừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể vẫn còn rất lớn, tổng số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường lên đến 94.600, tăng 13,5%, bình quân một tháng có tới 13.514 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một ngày lên đến 450 doanh nghiệp.
Tăng trưởng GDP đã 2 năm rơi xuống “đáy” trong hơn 30 năm; mục tiêu năm nay đề ra 6-6,5% cao gấp 2-3 lần so với 2 năm trước. Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ lên đến 350.000 tỷ đồng, với 40.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cấp bù lãi suất 2%, kéo 1 triệu tỷ đồng bình quân 1 năm, riêng năm 2022 chỉ còn một nửa thời gian thực hiện…
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự báo cả năm có thể vượt mục tiêu, thậm chí có thể vượt 7%. Tuy tăng cao nhưng mức tăng không lớn do số gốc so sánh đạt thấp; so với mục tiêu bình quân 1 năm trong kế hoạch 5 năm (2021-2025), thì đòi hỏi phải tăng cao hơn. Để ngăn chặn nguy cơ “sập bẫy trung bình”, “chưa giàu đã già”…, thì tốc độ tăng trưởng GDP còn phải cao hơn nữa.
Do vậy, cần xem xét nới lỏng chính sách tài khóa mà không nên thắt chặt ở mức như vừa qua, với những giải pháp cần thiết, như giảm tiếp thuế VAT; giảm hoặc cắt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; thực hiện nhanh hơn chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước; phối hợp với ngân hàng để thực hiện nhanh việc cấp bù lãi suất 2% theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ…
Ngân hàng ngoại tăng độ phủ tại thị trường Việt Nam
Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự hiện diện và mở rộng hoạt động của các ngân hàng nước ngoài, bất chấp những biến động toàn cầu.
Ngân hàng Shinhan tuyên bố mở rộng phạm vi hoạt động, với việc thành lập 1 chi nhánh mới tại Hà Nội, 2 chi nhánh mới tại TP.HCM, nâng tổng số văn phòng của Ngân hàng tại Việt Nam lên 46, củng cố vị thế là ngân hàng ngoại có quy mô hoạt động lớn nhất tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ngân hàng Shinhan cho biết: “Các chi nhánh mới giúp chúng tôi duy trì mạng lưới bán hàng lớn nhất tại Việt Nam trong số các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại đây. Chúng tôi kỳ vọng, một mạng lưới như vậy sẽ xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện hơn trên khắp Việt Nam và qua đó sẽ cố gắng cung cấp các dịch vụ tốt hơn”.
Vào tháng 5/2022, Tập đoàn tài chính Shinhan đã công bố một thỏa thuận trị giá khoảng 90 triệu USD để mua 10% cổ phần của Tiki. Trong đó, 2 đơn vị trực thuộc là Ngân hàng Shinhan và Shinhan Card mua lần lượt 7,44% và 2,56% cổ phần tại trang thương mại điện tử này.
“Dựa trên chuyên môn tài chính của Shinhan và cơ sở dữ liệu của Tiki trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi đang kỳ vọng xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số hội tụ mới tại Việt Nam”, đại diện Shinhan nói.
Ông Kang Gew Won, CEO Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, sau hơn 29 năm hoạt động tại Việt Nam, việc khai trương 3 chi nhánh và phòng giao dịch mới trong năm 2022 là bước đi quan trọng trong chiến lược thúc đẩy kinh doanh của Ngân hàng, nhằm tối ưu hóa dịch vụ ngân hàng số, giao dịch không cần tới quầy, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất có thể.
“Sự đầu tư tiêu chuẩn của Ngân hàng Shinhan trong hành trình chuyển đổi số thông qua sử dụng các công nghệ tiên tiến trong các sản phẩm, dịch vụ và quy trình nhằm hướng tới mục tiêu ‘đổi mới thân thiện’ và trở thành ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030”, ông Kang Gew Won nói.
Một gương mặt khác của Hàn Quốc là Woori Bank lại đi theo hướng mở rộng hợp tác tại Việt Nam. Mới đây, ngân hàng này đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) để cùng tung ra các sản phẩm tín dụng mới tại Việt Nam. Sản phẩm tín dụng do 2 bên hợp tác sẽ được triển khai trên nền tảng phê duyệt và giải ngân khoản vay không cần hồ sơ, không thẩm định thực địa đối với người lao động làm việc trên 6 tháng tại các công ty có xếp hạng uy tín.
Theo đại diện Woori Bank, để đạt được mục tiêu “ngân hàng số 1 về kỹ thuật số và bán lẻ”, Ngân hàng đang tập trung toàn bộ vào lĩnh vực kinh doanh bán lẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật số, qua đó tạo đà phát triển để vượt qua những hạn chế của ngân hàng nước ngoài và cạnh tranh được với các ngân hàng nội địa hàng đầu của Việt Nam.
Ngân hàng Kasikornbank (KBank) của Thái Lan vừa chính thức khẳng định sự xuất hiện của mình tại Việt Nam bằng một lễ khai trương chi nhánh khá rầm rộ mới đây tại TP.HCM. Ngay trong buổi lễ, tổ chức tài chính lớn nhất Thái Lan này không ngần ngại tiết lộ tham vọng trở thành ngân hàng số tại khu vực Đông Nam Á và tập trung vào phát triển tại thị trường Việt Nam.
Với mục tiêu đầu tư khoảng 75 triệu USD, KBank có kế hoạch tăng cường mạng lưới dịch vụ trong AEC + 3 (ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc). Đến năm 2023, KBank sẽ triển khai cho vay khoảng 560 triệu USD tại thị trường Việt Nam và có 1,2 triệu khách hàng bán lẻ tại đây.
Bà Kattiya Indaravijaya, CEO KBank rất lạc quan về triển vọng hậu đại dịch đối với nền kinh tế ASEAN. “Bên cạnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, tỷ lệ dân số trẻ ngày càng tăng chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN. Hơn nữa, nền kinh tế của khối được dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn lối sống số hóa”, bà Indaravijaya chia sẻ.
Ông Pipit Aneaknithi, Chủ tịch KBank cũng tiết lộ, Ngân hàng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các giải pháp ngân hàng số hoàn chỉnh cho tất cả phân khúc khách hàng, với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng.
Vào tháng trước, Bank of America (BofA) - ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ được thành lập năm 1904 - cũng đã nộp đơn xin mở chi nhánh tại TP.HCM với số vốn khoảng 50 triệu USD. BofA từng có văn phòng đại diện tại TP.HCM cho đến năm 2002 khi ngân hàng mẹ tại Mỹ tiến hành kế hoạch tái cấu trúc hệ thống.
Ông Madhu Kannan, Phó chủ tịch điều hành Ngân hàng doanh nghiệp và Đầu tư toàn cầu của BofA cho biết, BofA đang quản lý tài sản của khoảng 450 nhà đầu tư hàng đầu thế giới và cũng có những lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng phát triển trở thành trung tâm tài chính trong tương lai của TP.HCM.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển Han Quốc (KDB) đầu năm nay cũng xác nhận ý định mở chi nhánh tại Hà Nội. Theo thông báo, KDB sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi mở văn phòng tại đây.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) và Công ty Chứng khoán Hana (HSC), thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana - công ty mẹ của Ngân hàng KEB Hana, đã bắt tay hợp tác chiến lược. HSC sẽ chủ động hỗ trợ BSC xây dựng kế hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là chuyên về chuyển đổi số và thành lập công ty quản lý quỹ.
Đại diện Cathay United Bank Việt Nam đến từ Đài Loan từng chia sẻ rằng, tại Việt Nam, dù chủ yếu tập trung phục vụ khách hàng doanh nghiệp, nhưng Ngân hàng vẫn liên tục đánh giá các cơ hội của mảng ngân hàng bán lẻ.
“Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi tại Đài Loan, mảng ngân hàng bán lẻ sẽ phát triển theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Các ngân hàng truyền thống buộc phải chuyển đổi và thích ứng với cách tiếp cận mới để phục vụ khách hàng toàn diện hơn”, đại diện Cathay United Bank Việt Nam cho biết.
Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm room, tỷ giá có dấu hiệu "căng"
SSI dự đoán, một số ngân hàng sẽ được bổ sung room tín dụng 3-5% tùy sức khỏe, tổng room được cấp cho các ngân hàng trong hạn mức còn lại của năm 2022 tương đương 457.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ được công bố đầu tuần này.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo SSI, việc Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5% - tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng
Theo nhận xét của các chuyên gia SSI, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở nhằm giảm áp lực tới tỷ giá. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng là 33.000 tỷ đồng, ở các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày.
Lãi suất phát hành cũng được nâng lên 4% cho kỳ hạn 14 ngày (từ mức 3% trong tuần trước) và giữ nguyên 2,6% cho kỳ hạn 7 ngày, và 3,45% cho kỳ hạn 28 ngày.
Bên cạnh việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh USD có xu hướng mạnh lên trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole
Bên cạnh đó, hoạt động mua kỳ hạn vẫn được đều đặn sử dụng với khối lượng tăng lên trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày (từ mức 500 tỷ đồng/ngày trong tuần trước). Lãi suất OMO tăng lên khoảng 4% cho cả 2 kỳ hạn 7 và 14 ngày.
Nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn mà trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy lên mức 3,5% (tăng 100 điểm cơ bản so với tuần trước), tạo một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD.
Trong tuần này, với việc chỉ có 3 ngày làm việc và nhu cầu về tiền mặt trước kỳ nghỉ lễ dài sẽ tăng đột biến, nên SSI cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức như hiện tại.
Tâm điểm thị trường tuần qua tập trong vào phát biểu của Chủ tịch Fed J.Powell trong Hội nghị chuyên đề Jackson Hole, và không có nhiều bất ngờ khi ông Powell khẳng định mục tiêu hiện tại của Fed là kiểm soát lạm phát và sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất cho đến khi lạm phát thực sự hạ nhiệt. Dự báo của thị trường về mức độ tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 9 hiện đang nghiêng nhiều hơn cho mức tăng 75 điểm cơ bản (68.5%, từ mức 55% vào 1 tuần trước đó).
Nhìn chung, thị trường đã có những phản ứng khá tiêu cực trước khẳng định của Chủ tịch Fed. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua (Dow Jones giảm 3%). USD tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, và chỉ số DXY đã đóng cửa ở mức gần cao nhất trong vòng 20 năm qua (và tăng 0,6% so với tuần trước). Các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như EUR -0,71%, GBP -0,72%, JPY -0,49%. Các đồng tiền trong khu vực châu Á cũng ghi nhận mức giảm mạnh như THB -0.94%, TWD -0,62%, KRW -0,43%,..
So với các đồng tiền trong khu vực, VND có diễn biến ổn định hơn khi chỉ mất khoảng 0,07% so với tuần trước. Điều này một phần nhờ việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nhằm ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, áp lực lên VND vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đó USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên.
Do vậy, SSI không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.
Về diễn biến tỷ giá trong tuần qua, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND đã có thời điểm bật tăng lên 23.450 VND/USD và hạ nhiệt dần về cuối tuần, kết tuần, tỷ giá được giao dịch ở 23.410 VND/USD. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng nhẹ 25 đồng và kết tuần ở mức 23.260VND/23.570VND. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang, hiện đang giao dịch ở 24.060VND/24.160VND.
Dự báo một số vấn đề đặt ra với tiền tệ - tín dụng vào cuối năm
Vai trò quan trọng nhất của tiền tệ - tín dụng là góp phần kiềm chế lạm phát. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm thời kỳ 2014-2021 được kiểm soát theo mục tiêu, thấp xa so với 2004-2013 (2,78% so với 10,53%). Trong 7 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,54% - còn thấp hơn mục tiêu cả năm (khoảng 4%) và chỉ bằng khoảng 1/3 của nhiều nền kinh tế.
Một là, tăng trưởng dư nợ tín dụng chậm lại (bình quân của thời kỳ 2006-2010 là 33,5%, thời kỳ 2011-2015 là 15,4%, thời kỳ 2016-2021 là 14,4%; 7 tháng 2022 tuy cao hơn cùng kỳ, nhưng định hướng cả năm vẫn ở mức 14%, chỉ cao hơn một chút so với 2 năm trước (12,2% và 13,6%). Tăng trưởng dư nợ tín dụng thời kỳ 2015-2021 thấp hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi (14,41% so với 14,43%), vừa bảo đảm tính thanh khoản, vừa góp phần kiềm chế lạm phát.
Hai là, tỷ trọng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm và ở mức thấp (trên dưới 11% tổng phương tiện thanh toán) cũng góp phần kiềm chế lạm phát. Lãi suất tiền gửi ngân hàng năm đều thấp hơn CPI, tức là lãi suất thực dương trong nhiều năm nay.
Một vai trò quan trọng của tiền tệ - tín dụng là góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng mấy tháng qua tăng nhanh và tính chung đã cao hơn cùng kỳ, góp phần tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ và khả năng cả năm sẽ cao gấp đôi 2 năm trước…
Vai trò nữa là bảo đảm an toàn hệ thống trong thời gian qua đã được cải thiện. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại cơ bản được bảo đảm…
Một vai trò quan trọng khác là góp phần ổn định tâm lý, giữ được lòng tin đối với đồng tiền quốc gia.
Việc tín dụng tăng chậm lại không phải không có căn cứ. Rõ nhất là do dư nợ tín dụng so với GDP gần như liên tục tăng lên và hiện ở mức cao (năm 2015 là 89,7%; năm 2016 là 97,6%; năm 2017 là 103,5%; năm 2018 là 102,9%; năm 2019 là 110,2%; năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Nếu dư nợ tín dụng năm nay tăng 14% - cao hơn dự báo về tốc độ tăng GDP theo giá thực tế (khoảng 11%) - thì tỷ lệ trên của năm nay cũng sẽ tiếp tục tăng lên, đạt mức 126,5% (so với GDP đã tính lại, nếu so với GDP chưa tính lại, thì tỷ lệ này đã vượt qua mốc 150%). Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cao sẽ là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Trong khi có những dự báo và lo ngại về lạm phát, thì sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.
An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chưa thực sự bền vững, chủ yếu do nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.
Nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cơ bản an toàn, nhưng nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu và phần nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý được vẫn còn ở mức cao. Nợ xấu lớn nhất nằm ở bất động sản. Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trong nửa đầu năm tăng tới 14,07%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,35% chung toàn bộ nền kinh tế; tổng số đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng.
Trái phiếu doanh nghiệp có quy mô đến đầu quý III/2022 đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, bằng gần 18,3% GDP và bằng 14,9% dư nợ tín dụng. Nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (65%) giá trị trái phiếu doanh nghiệp.
Tỷ giá VND/USD bình quân 7 tháng tăng thấp (0,08%), nhưng tháng 7/2022 so với tháng 12/2021 tăng 2,14%, dự báo tỷ giá vào ngày 31/12/2022 so với cùng thời điểm năm trước có khả năng vượt qua mốc 3%, cao gấp rưỡi định hướng (2%). Tỷ giá VND/USD tăng sẽ tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm giá nhập khẩu tính bằng VND tăng “kép”, làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, gây áp lực đối với lạm phát; làm tăng nợ và trả nợ khi vay và trả nợ bằng VND; ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, đến thị trường ngoại hối.
Doanh nghiệp ngóng room tín dụng hơn chờ hỗ trợ lãi suất
Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách tăng tốc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, trong khi nhiều doanh nghiệp cho biết, họ mong sớm được ngân hàng giải ngân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Phú Thọ cho hay, room tín dụng được ngân hàng cấp cho chi nhánh ngân hàng ông là 4%, nhưng 6 tháng đầu năm đã “xài” hết 3,8%. Room tín dụng còn lại nửa cuối năm quá ít, khiến chi nhánh phải xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng từ Tổng giám đốc, song nhận được câu trả lời là toàn hệ thống cũng đang cạn room và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới thêm room.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Mới đây, một ngân hàng đã thông báo các chi nhánh lùi thời hạn giải ngân tín dụng sang đầu tháng 9/2022.
Ngân hàng thiếu room đồng nghĩa với doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt (hoạt động trong lĩnh vực du lịch) cho hay, công ty ông đã bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do "hết hạn mức tăng trưởng tín dụng".
Trước tình hình căng thẳng room tín dụng của các ngân hàng, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, muộn nhất là đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay (trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2022), nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room. Theo đó, các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB...
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng cơ hội phục hồi. Nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam là do lạm phát chi phí đẩy (chủ yếu lạm phát nhập khẩu), chứ không phải lạm phát do cầu kéo. Chính vì vậy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể dùng chính sách tiền tệ, mà phải dùng biện pháp thuế (giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa). Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng. Theo chuyên gia này, tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.
Cùng với thiếu room tín dụng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 4.300 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 8/2022 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu đề ra. Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, nhiều khách hàng từ chối tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% do ngại thủ tục, sợ bị thanh tra, kiểm toán nếu được hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng còn nhiều băn khoăn do hướng dẫn còn mang tính định tính, chưa cụ thể, chặt chẽ, sợ không được quyết toán sau này.
Trước băn khoăn của các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất, bởi nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, thì kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn.
Trong khi đó, đại diện Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết sẽ lắng nghe ý kiến của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán, nên đề nghị các bộ, ngành xây dựng tiêu chí chặt chẽ. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.
Liên quan giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp các doanh nghiệp đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại chủ động xác định khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan có hướng tháo gỡ.
Đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố cũng phải phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các đơn vị chức năng của các bộ, ngành tại mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân, từ đó giải quyết vướng mắc và xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ.