CTCP Thép Việt Ý (mã VIS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III tiếp tục ghi nhận kỳ kinh doanh thua lỗ.
Doanh thu bán hàng giảm nhẹ và tiếp tục thấp hơn giá vốn hàng bán khiễn doanh nghiệp ngành thép này lỗ gộp 41 tỷ đồng riêng quý III và lỗ 29 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, doanh nghiệp này tiếp tục phải gánh chi phí tài chính lớn, chủ yếu là chi phí lãi vay. Riêng quý III, VISCO lỗ ròng hơn 75 tỷ đồng, gấp 1,17 lần số lỗ cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty lỗ 141 tỷ đồng.
VISCO là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép và phôi thép. Giá phôi đầu vào giảm cùng sức cầu trên thị trường yếu, cùng với việc kiên định hướng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, là nguyên nhân khiến sản phẩm phôi thép của VISCO khó cạnh tranh với sản phẩm từ công nghệ lò cao tần. Phía công ty cho biết nhà máy phôi luôn trong tình trạng cầm chừng, chi phí cố định cao trong khi sản lượng sản xuất chỉ bằng ½ cùng kỳ năm trước.
Đối với sản phẩm thép, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cùng những lo lắng về suy giảm nhu cầu và lượng tồn kho trên thị trường khiến giá đầu ra của sản phẩm thép liên tục giảm trong quý III. Trong khi giá bán không tăng được vì áp lực cạnh tranh, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá điện lại tăng giá.
VISCO và cũng như chung toàn ngành thép gặp khá nhiều khó khăn thời gian qua. Với riêng VISCO, doanh nghiệp này còn vừa “thay máu” cổ đông hơn một năm trước. Kyoel Steel Ltd., công ty thép từ Nhật Bản, đã trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 71,77% vốn điều lệ của VISCO từ tháng 8/2018.
Liên tục thua lỗ các quý vừa qua, lỗ lũy kế của VISCO hiện đã tăng lên 467 tỷ đồng, tương đương 63% vốn điều lệ. Điều này cũng khiến tỷ lệ nợ tại doanh nghiệp thép này tăng lên nhanh chóng, từ 73,3% lên 76,7%. Phần lớn các khoản vay của VISCO là vay ngắn hạn ngân hàng, trong đó hơn 1.400 tỷ đồng vay từ các ngân hàng Nhật Bản như Sumimoto, Mizuho, Mufg. Sở dĩ doanh nghiệp thép này có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng Nhật Bản là bởi có thư bảo lãnh của công ty mẹ.
LNST của VISCO các quý gần đây |