Petrolimex vừa niêm yết cổ phiếu trước ngày ĐHCĐ thường niên 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 25/04 tới. Với vốn điều lệ 12.938 tỷ đồng và mức giá chào sàn 43.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của PLX đạt 55.892 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, chiếm khoảng 3,3% vốn hoá của HOSE (1,68 triệu tỷ đồng tính tới 19.4.2017).
Chủ tịch HĐQT Petrolimex thực hiện nghi thức đánh cồng, đánh dấu phiên giao dịch chính thức trên HOSE của cổ phiếu PLX. |
Ngay ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Petrolimex nằm trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đứng thứ 7 trên thị trường, bên cạnh VNM (Vinamilk), VCB (VietcomBank), SAB (Sabeco), VIC (VinGroup), GAS (PV Gas) và vượt vốn hóa của BIDV, CTG (VietinBank).
Báo cáo tài chính Petrolimex 2016 đã qua kiểm toán. |
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, HOSE là sàn chứng khoán có những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp, chuẩn mực gần tương đương với các sàn quốc tế và đây cũng nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, ông khẳng định, chắc chắn Petrolimex sẽ lọt vào nhóm VN30 và đây cũng là mục tiêu của Công ty, của các nhà đầu tư khi Petrolimex lên sàn.
Kế hoạch kinh doanh của Petrolimex 2017 |
Theo BCTC của Petrolimex, về cơ cấu cổ đông, hiện Bộ Công thương vẫn đang nắm giữ 75,87% cổ phầncủa Petrolimex và cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX NipponOil &Enery Vietnam sở hữu 8,17% và được biết, cổ đông này vẫn có ý định nâng mức sở hữu từ 20-25%.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số đơn vị thành viên với hàng loạt sai phạm.Theo đó, ngoài các khoản đầu tư ngoài ngành không đúng quy định lên tới 2.200 tỷ đồng, Petrolimex còn chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh giá, khi sản lượng bán ra tăng bất thường 2,3 - 6,7 lần. Tập đoàn này còn ồ ạt đầu tư ngoài ngành nhưng không hiệu quả.
Năm 2017, Petrolimex đặt mục tiêu tổng doanh thu năm đạt 143.208 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất trước thuế sẽ giảm còn 4.680 tỷ đồng, bằng 74,3% so với năm 2016.
HĐQT Tập đoàn này cho rằng, thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh khốc liệt do sự gia tăng các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối (TNPP), tính đến hết 2016, cả nước có đến 29 đầu mối và 120 TNPP. Các đối thủ đang tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường kể cả những vùng trước đây chỉ có Petrolimex kinh doanh.
Ngoài ra, sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ ra thị trường từ quý II/2017 và sự tham gia phân phối bán lẻ của Idemitsu Q8 sẽ khiến cạnh tranh tại miền Bắc đối với Petrolimex ngày càng gay gắt.
Trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, Petrolimex là doanh nghiệp lớn nhất trong 29 doanh nghiệp đầu mối; với khoảng 50% thị phần cả nước trong đó có 2.352 cửa hàng trên cả. Sản lượng bán hàng của Petrolimex năm 2011 chỉ đạt 9,2 triệu tấn thì đến năm 2016 đạt 11,55 triệu tấn (mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2016 đạt 8-9%/năm) và sẽ duy trì mức tăng 3,5-4% trong 5 năm tiếp theo.
HĐQT Petrolimex tiếp tục xác định tập trung gia tăng phương thức bán lẻ- phương thức mang lại lợi nhuận chính của ngành hàng trên cơ sở phát huy lợi thế thương hiệu, hệ thống sẵn có cho năm 2017. Do đó, công tác đầu tư CSVC của khối kinh doanh xăng dầu nội địa 2017 sẽ đặt trọng tâm việc sửa chữa và phát triển mới CHXD với tổng vốn gần 1.5 tỷ đồng. Trong 5 năm tới, Petrolimex sẽ mở rộng hệ thống bán lẻ với 150 cửa hàng một năm và gắn với các dịch vụ tiện ích để gia tăng doanh thu, tận dụng địa điểm của chuỗi phân phối.