Bị hại xin giảm án cho các bị cáo do đã khắc phục xong hậu quả
Theo kế hoạch, ngày 19/3, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Phiên tòa diễn ra công khai, dưới sự điều hành của Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn, Chủ tọa phiên tòa; Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã và Thẩm phán dự khuyết Trần Đức Hiếu.
Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa gồm 5 Kiểm sát viên. Tòa dự kiến xét xử trong 20 ngày, gồm cả ngày nghỉ.
Bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng có luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật Giang Thanh; còn Đỗ Hoàng Việt được luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fansi bào chữa.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh. |
Trước khi diễn ra phiên tòa, các cơ quan tố tụng đã nhận được đơn của hơn 1.200 nhà đầu tư, là những bị hại trong vụ án, xin giảm án cho các bị cáo.
Cụ thể, các nhà đầu tư đã đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, với lý do toàn bộ các bị cáo đều đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm, có nhân thân tốt.
Riêng đối với hai bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh); Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc, các bị hại đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, vì trong thời gian ngắn đã nỗ lực khắc phục hoàn toàn 100% số tiền của người mua trái phiếu (hơn 8.600 tỷ đồng).
Nhiều bị hại cho rằng, việc khắc phục hậu quả của bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt không những thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo, mà còn giúp cho các bị hại giải tỏa được tâm lý lo lắng, tạo niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng thông qua 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ
Trước đó, vào tháng 11/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố ra Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội để đưa ra xét xử đối với 15 bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan tới việc phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo cáo trạng, tháng 6/2021, do Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó khăn về tài chính, dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng.
Thêm vào đó, đến tháng 1/2022, dư nợ tăng lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.
Do đó, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm huy động vốn để có tiền thanh toán các khoản nợ...
Quá trình này, các bị can thống nhất việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời.
Ba công ty con gồm: Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, với tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, đã huy động được gần 14.000 tỷ đồng.
Trong vụ việc, các đơn vị tham gia tư vấn phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký số trái phiếu trên gồm Công ty Chứng khoán An Bình; Chứng khoán Bảo Việt; Chứng khoán Everest; Chứng khoán Agriseco; Chứng khoán KIS Việt Nam.
Thêm vào đó, quá trình phát hành trái phiếu, 3 công ty phát hành này cũng đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo với các ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, SHB Trung tâm kinh doanh và Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân.
Theo quy định, các ngân hàng phải giám sát mục đích sử dụng tiền có được từ phát hành trái phiếu theo đúng mục đích phát hành, tuy nhiên, các đơn vị này đã không thực hiện đúng.
Đến nay, các bị can đã nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan tố tụng cũng đánh giá các bị can thành khẩn khai báo, tích cực khắc phục hậu quả.